Sinh viên học song song on - off
Bạn Nguyễn Thùy Dương, sinh viên năm 2 của Học viện Ngân hàng (Hà Nội) tâm sự: "Là F0, việc học tập của mình ảnh hưởng khá nhiều. Mặc dù được học online tại nhà nhưng do những ngày đầu còn mệt nên mình không theo học được cùng lớp phải lại mượn bài ghi của bạn để học lại. Hơn nữa kỳ này thời gian học của mình là vào ca sáng, tiết 1 được bắt đầu từ 7h nên khi mắc Covid-19 mình đã phải xin nghỉ mất vài ngày đầu để sức khỏe được cải thiện hơn."
Trái ngược với Thùy Dương, bạn Trịnh Ngọc Chi - sinh viên năm nhất của trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội) cho biết: "Thực ra khi trở thành F0, việc học chỉ bị ảnh hưởng với những bạn có triệu chứng tác động đến sức khỏe, còn mình cảm thấy bản thân khá may mắn vì hoàn toàn không có những dấu hiệu mệt mỏi hay các triệu chứng của Covid-19. Vậy nên mình cảm thấy không có gì quá khó khăn."
Dù mắc Covid-19, sinh viên không gặp quá nhiều khó khăn khi học trực tuyến tại nhà. (Ảnh: Phùng Quyên)"Hiện tại trường đang cho kết hợp song song hai hình thức là trực tuyến để thuận tiện cho những sinh viên thuộc diện F0 hoặc F1. Và hình thức trực tiếp để tạo cơ hội tới trường cho những sinh viên có kết quả âm tính với Covid-19. Thế nhưng, em cảm thấy việc dạy song song như vậy khá là khó để có hiệu quả cao. Tuy vậy đây cũng là một thách thức đối với các thầy cô giáo khi vừa phải đứng lớp giảng bài cho những sinh viên học trực tiếp vừa phải để ý, quan tâm tới những sinh viên đang cách ly tại nhà. Rất khó để các thầy cô có thể bao quát và cùng lúc xoay xở cả 2 bên", Ngọc Chi nói.
Tuy nhiên, Ngọc Chi cũng rất hiểu và cảm thông rằng nhà trường cũng như các thầy cô giáo trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện, hỗ trợ và cố gắng nỗ lực hết sức mình để tất cả sinh viên không ai bị bỏ lại phía sau.
Có cùng quan điểm trên với Ngọc Chi, Thùy Dương chia sẻ các sinh viên đều rất biết ơn vì những điều mà nhà trường cũng như các thầy cô giáo đã làm trong suốt thời gian vừa qua.
"Nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô, em và các bạn không đủ điều kiện tới trường vẫn có thể tham gia vào các tiết học với lớp mà không phải học ghép với các lớp khác, cũng như việc học không bị gián đoạn hay chậm lại so với các bạn", Thùy Dương bày tỏ.
Đối với các sinh viên năm cuối, việc mắc Covid-19 ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến kế hoạch tốt nghiệp. Nguyễn Hữu Hoàng, sinh viên năm tư trường đại học Mở Hà Nội cho biết, trừ thể dục, sinh viên F0 có thể học các môn khác theo hình thức online. "Kỳ này mình đã đăng ký môn thể dục, tuy nhiên do nhiễm bệnh nên không thể tham gia. Giảng viên cho phép sinh viên thuộc diện F0, F1 được nghỉ 2 tuần, nếu sau đó mà vẫn không thể trở lại học tập bình thường sẽ buộc phải học lại học phần này." Bên cạnh đó, Hoàng bày tỏ lo lắng rằng bản thân bị bệnh nên không thể tham gia một số kỳ thi để lấy chứng chỉ. Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thực tập tốt nghiệp của cậu bạn.
Nhà trường đồng hành cùng sinh viên
Trở lại "đường đua học tập" từ 14/2, Nguyễn Hữu Hoàng tâm sự, bản thân đã chính thức gia nhập "hội F0" sau nhiều ngày "bất tử" là F1. Trong khoảng thời gian này, cả mình lẫn bạn cùng phòng đều bị nhiễm. Sau 3 ngày vật vã vì bị Covid -19 hành, sức khỏe của Hữu Hoàng yếu đi rõ rệt: "Mình không thể tập trung ngồi làm việc quá lâu. Đêm nào mình cũng ho và sốt, người mệt lả, đến thở thôi cũng thấy khó khăn. Cả 2 đứa mình cùng xa nhà, cùng nhiễm nên tự giác chăm nhau."
Bạn Hoàng cho biết thêm, hiện tại trường đại học Mở Hà Nội đã triển khai phát những phần quà hỗ trợ các sinh viên mắc Covid -19 có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời Liên chi đoàn Khoa Kinh tế cũng phát động chương trình "Đi chợ giúp bạn" nhằm giúp đỡ các bạn F0 đang "mắc kẹt" tại phòng trọ.
Ban tình nguyện khoa Kinh tế, trường đại học Mở Hà Nội hỗ trợ sinh viên F0 (Nguồn: Fanpage khoa Kinh tế - Đại học Mở Hà Nội).
Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cuộc thi "Vượt qua nỗi sợ nCoV" nhằm khuyến khích sinh viên tích cực luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, Hữu Hoàng cho hay.
Theo bạn Triệu Ngọc Anh (Trường đại học Hà Nội), lịch đi học lại bắt đầu từ 1/3. Trước đó, nhà trường đã khảo sát online để nắm bắt được tình trạng sức khỏe của sinh viên. Cụ thể, mỗi sinh viên sẽ nhận được một đường link khảo sát tình trạng sức khỏe, từ đó, nhà trường sẽ triển khai các hình thức học phù hợp hỗ trợ sinh viên.
Ngọc Anh cho biết thêm, trường đại học Hà Nội có lịch học trực tiếp muộn hơn là muốn cho sinh viên có thêm thời gian tìm kiếm, ổn định chỗ ở, giúp các bạn sinh viên năm nhất không gặp quá nhiều khó khăn khi trở lại nhập học. Dẫu vậy, ngay trước ngày trở lại trường học, cô bạn không may dương tính và buộc phải điều trị tại phòng trọ.
Lo sợ vì nhiễm Covid-19, Ngọc Anh còn bất an hơn khi sợ bị chủ nhà từ chối cho thuê trọ. "Khi gọi điện báo tin, mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần xách vali về quê, nhưng may mắn rằng cô chú chủ nhà không những không "đuổi" mà còn hỗ trợ mình nhận đồ ăn từ quê gửi lên."
Đặc biệt hơn, tại trường đại học Kinh tế Quốc dân, bạn Ngọc Chi cho biết phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên của trường cũng đã ra thông báo về việc đăng ký nhận hỗ trợ đối với những sinh viên dương tính với Covid-19 bắt đầu từ ngày 24/02/2022, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/sinh viên. Cùng đó trong thông báo, nhà trường cho biết sẽ xét làm nhiều đợt hỗ trợ, đảm bảo không để thiếu trường hợp sinh viên bị F0 khi đủ điều kiện.