Tuấn Jeon, tên thật là Jeon Hyong Jun, 25 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sogang. Đầu tháng 2.2020, sau một năm làm việc tại Việt Nam, Tuấn Jeon trở về quê hương. Anh đang cùng những bạn trẻ là tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc tham gia phiên dịch trực tuyến, hỗ trợ những người Việt đang làm việc tại Hàn gặp khó khăn về ngôn ngữ, có thể được đi xét nghiệm Covid-19.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Tuấn Jeon cho hay trong những ngày có dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, có đông người đến các khu khám bệnh để kiểm tra xem có nhiễm virus hay không. Trong số đó, khó khăn nhất là việc trao đổi giữa người nước ngoài và các nhân viên y tế.
“Những người đến khu khám bệnh đều có những triệu chứng như ho, sốt,... dù chưa biết có phải bị nhiễm Covid-19 hay không. Khi giao tiếp giữa các y tá, người đến thăm khám gặp trở ngại vì bất đông ngôn ngữ dễ gây căng thẳng cho mọi người. Chúng tôi, những tình nguyện viên phiên dịch hóa giải được hết sự căng thẳng đó, cùng họ vượt qua những rào cản ngôn ngữ”, Tuấn Jeon chia sẻ.
Tuấn Jeon hồi đầu năm 2020 ở Việt Nam Ảnh NVCC |
Tuấn Jeon cho hay để ứng phó với Covid-19, nhu cầu cần phiên dịch viên tiếng Việt là rất lớn (hiện tại ở đây có khoảng 42 tình nguyện viên). Mỗi ngày Tuấn Jeon nhận nhiều cuộc gọi từ các khu thăm khám Covid-19. “Gần đây, tôi cũng nhận được các cuộc gọi, người lao động Việt Nam thắc mắc họ muốn về Việt Nam lúc này mà không biết có thể về được không”, Tuấn Jeon chia sẻ.
Tuấn Jeon kể: "Câu chuyện trong cuộc gọi gần đây nhất là một công nhân xây dựng người Việt Nam ở Hàn Quốc. Anh ấy kể với tôi là bị ho, lại nhức khắp người nên mong muốn được đi kiểm tra xem có bị nhiễm Covid-19 hay không. Anh tới khu thăm khám đợi mà vẫn chưa thể được kiểm tra, bởi số lượng người chờ đông quá. Do đó, anh muốn đi sang một khu khám khác nên hỏi tôi bây giờ đi khu nào, đường đi ra sao. Sau khi chỉ cho anh hướng đi taxi tới khu khám mới, tôi nói với y tá hãy ghi ra một mảnh giấy cho anh bằng tiếng Hàn, nói anh ta mang đến khu khám mới, nội dung 'tôi muốn kiểm tra Covid-19, tôi đang ho, nhức cơ thể...'”.
"Bởi vì tôi yêu Việt Nam"
Tuấn Jeon bắt đầu là tình nguyện viên phiên dịch tiếng Việt - Hàn từ năm 2014, khi anh mới tốt nghiệp THPT. Từ đó đến nay, Tuấn Jeon nhận được hơn 2.000 cuộc gọi từ những người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc.
Khi chưa có dịch Covid-19, phần lớn các cuộc gọi đến Tuấn Jeon nhờ trợ giúp là từ các cô dâu Việt trong gia đình đa văn hóa, các bạn du học sinh hay những người lao động Việt đang sinh sống tại xứ sở kim chi.
Một câu chuyện làm Tuấn Jeon nhớ mãi là một lao động Việt gặp tai nạn, phải nhập viện cấp cứu. Anh ấy hoàn toàn đơn độc vì cả công ty chỉ có duy nhất anh là người Việt Nam. Anh cũng không có người chăm sóc. Các bác sĩ, y tá cũng rất vất vả vì không thể giao tiếp với anh. "Nhận được cuộc gọi về trường hợp này, tôi đã hướng dẫn anh ấy lịch mổ, thuốc men, các chú ý cần thiết. Sau khi mổ thành công, sức khỏe của anh ấy khá yếu, phải theo dõi... Vậy là hằng ngày, tôi giúp chị y tá từ xa, viết hướng dẫn cụ thể cho anh ấy, như ăn gì, uống gì, tiêm gì, để ý điều gì,... lên giấy. Xuất viện rồi, anh ấy nói với tôi là sẽ không bao giờ quên được sự giúp đỡ ấm áp của tôi", Tuấn kể.
Tuấn Jeon chia sẻ "bởi vì tôi yêu Việt Nam" Ảnh Thúy Hằng |
Hai tuần trước, khi dịch bệnh đang căng thẳng, cha của Tuấn Jeon - một bác sĩ đã xung phong về Daegu, tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc để cùng các đồng nghiệp điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Ở thủ đô Seoul, Tuấn Jeon có một cách khác góp sức cùng bố. Anh luôn tin rằng công việc phiên dịch qua điện thoại của anh, phần nào gỡ rối những căng thẳng, khó khăn, nỗi cô đơn, lo sợ của người Việt Nam ở nước ngoài. “Bởi vì Tuấn yêu Việt Nam”, Tuấn Jeon giải thích tất cả những gì anh đã và đang làm.
Tuấn Jeon luôn tin rằng, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm qua, bình an, nụ cười sẽ trở lại với tất cả mọi người.