Những shipper miễn phí

Trưa nắng một ngày đầu tháng 4, nhóm thanh niên được trang bị khẩu trang, nước rửa tay đầy đủ để đảm bảo an toàn và sau đó len lỏi vào từng con hẻm nhỏ của Q.1, TP.HCM phát quà cho những người già neo đơn, cô chú bán vé số và người lao động nghèo đang bị thất nghiệp vì dịch Covid-19. Đồng thời, nhóm còn phát tờ rơi phổ biến về đội hình đi chợ miễn phí.
“Tụi con là đội hình thanh niên tình nguyện ứng phó với dịch Covid-19, nếu từ nay ông, bà có nhu cầu muốn mua gì thì cứ gọi cho tụi con theo số điện thoại đường dây nóng 028.3825.1861, sau đó nhấn phím 0 để gặp hỗ trợ viên, tụi con sẽ tiếp nhận những gì ông, bà muốn mua và sẽ đi chợ về giao tận nhà. Từ nay ông, bà nên hạn chế đi ra ngoài hoặc đến những nơi đông người để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Nếu muốn mua gì cứ gọi tụi con”, Trương Ngọc Thảo Tâm, thành viên đội hình giới thiệu với người dân.
Vừa nghe xong, bác Lê Thị Tính (66 tuổi, trú tại hẻm 42 Trần Đình Xu, P.Cô Giang, Q.1) hỏi lại: “Thế con đi chợ giúp có lấy tiền công không con?”. Tâm lễ phép đáp lại: “Dạ không đâu ạ. Tụi con là những shipper miễn phí nên bác muốn mua gì cứ gọi cho tụi con ạ”.
Bác Tính cười tươi phấn khích và hẹn ngày mai chắc chắn sẽ gọi điện đến nhờ đội hình đi chợ giúp vì hôm nay bác còn đồ ăn do đã đi chợ mua đồ dự trữ từ mấy ngày trước.
Cũng sống chung khu trọ với bác Tính, bác Lý Thị Đáng (70 tuổi) ngay sau khi được các bạn trẻ giới thiệu đội hình, bác hào hứng khoe điện thoại mới được cho: “Ôi, thế này thì mừng quá. Bác mấy đợt đi dọn dẹp việc nhà cho người ta, họ thương rồi mới cho cái điện thoại này. Giờ tụi con nói vậy, bác mừng quá. Bữa nay cứ gọi là tụi con đi chợ giúp cho bác đúng không? Như thế thì tốt quá, vì nhiều nơi cũng đến vận động hạn chế ra ngoài, mà nhiều khi muốn mua gì bác cũng phải đi vì ở một mình mà, đâu có ai đi mua giúp”.
Nói rồi bác hỏi: “Vậy nếu giờ bác đang cần mua vài thứ để nấu ăn hôm nay, các cháu giúp bác nhé”.
Thế là Tâm lấy giấy ra và ghi lại cặn kẽ những gì bác Đáng cần, nào là trứng gà, nước tương, khổ qua và bí đỏ. Bác Đáng bảo mua những thứ này bác để được lâu và ăn dần dần.
tangqua1_ufib.jpg
Ngay lập tức sau đó, Phan Hoàng Vũ (thành viên đội hình) nhận nhiệm vụ đi chợ cho bác Đáng.

Như đi chợ cho ông bà mình

Là một chàng trai, nhưng Vũ không hề “hậu đậu” trong việc đi chợ. Chỉ sau vài phút, Vũ đã quay về với một xách đồ nặng. Vũ nói với bác Đáng: “Người ta không bán bí đỏ trái nên con mua 2 miếng cắt sẵn và người ta bọc kỹ rồi nên bà cứ để dành ăn. Con lựa toàn đồ tươi xanh nên bà có thể để vài ngày được. Con chúc bà mạnh khỏe vượt qua dịch bệnh này. Nếu hôm nào cần đi chợ, bà cứ gọi tụi con”.
Tưởng Vũ chắc chưa từng đi chợ bao giờ, nhưng khi nghe Vũ nói thì biết rằng anh chàng rất chuyên nghiệp.
“Ngày xưa ở nhà mình cũng thỉnh thoảng đi chợ giúp gia đình. Mình cũng có bà nội gần tuổi với cụ Đáng, nên lúc đi chợ giúp bà, mình cứ tưởng tượng như đang đi chợ cho bà nội của mình. Hôm nay mình rất vui vì làm được việc ý nghĩa. Mô hình này mà nhân rộng hơn nữa thì tất cả người già sẽ an toàn hơn trong mùa dịch này”, Vũ nói và khẳng định dù là ban đêm, nếu nhận được cuộc gọi từ người dân, Vũ cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi mua.
Chia sẻ về việc thành lập đội hình, anh Trần Đỗ Nam Long, Bí thư Quận đoàn 1, cho biết ý tưởng bắt đầu từ khi có khuyến cáo của Bộ Y tế và Chỉ thị 16 của Chính phủ về việc hạn chế ra đường. Đặc biệt, những người già trên 60 tuổi nên hạn chế tối đa việc ra đường, nhưng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như gạo, mắm, muối, thuốc thang… thì phải đi đến chợ hoặc nơi đông người để mua, trong khi người già neo đơn không có ai để nhờ giúp.
Anh Long cho biết sẽ có một trung tâm tiếp nhận thông tin tin tức, khi người dân gọi điện đến và dựa vào nhu cầu của người dân, đội hình sẽ đi mua và giao tận nhà. Sắp tới, nếu vận động được mạnh thường quân thì những gia đình nào thuộc diện khó khăn, đội hình sẽ đi mua và tặng luôn những món đồ đó…
Ngoài hoạt động đi chợ miễn phí, đội hình cũng tổ chức tặng quà bao gồm gạo và nhu yếu phẩm cần thiết cho những người bán vé số, lao động tự do đang gặp khó khăn vì thất nghiệp trong mùa dịch.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022