Khác với những ngày bình thường, đi xin việc phải cần hồ sơ và các thủ tục liên quan thì dịp Tết là cơ hội để các bạn trẻ dễ dàng tìm được một công việc ưng ý mà chẳng cần giấy tờ gì như đi bán muối đêm giao thừa, bán hoa Tết, làm quán cafe...
Đánh vào tâm lý "ai cũng cần", nhiều bạn trẻ đã táo bạo hùn vốn đầu tư kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu mà Tết ai cũng sẽ sử dụng để bán kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình, phục vụ nhu cầu của bản thân.
Thu Hương cùng bạn bè tranh thủ kinh doanh hoa dịp giáp Tết
Thu Hương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những bạn trẻ như thế. Hương kể: "Mình bắt đầu bán hoa Tết được 2 năm nay, ý tưởng bán hoa nảy sinh từ chính nhu cầu của gia đình mình. Tết đến ai cũng phải mua hoa về cắm, nhiều người còn thích chơi hoa nên bán hoa dịp này chắc chắn sẽ có lời".
Bên cạnh đó, Hương cho biết: "Bán hoa Tết còn là cơ hội để mình được giao lưu học hỏi với những người bán hàng xung quanh, kiếm thêm thu nhập và thưởng thức hương vị Tết mà nếu như ở nhà thì chắc chắn mình sẽ không thể cảm nhận được".
Thời điểm bán hoa tập trung chủ yếu vào 3 ngày cuối năm, nếu năm nhuận sẽ bán từ 27 Tết. "Tết sớm nên mình cũng phải phục vụ khách hàng sớm. Bán hàng 2 năm rồi nên bọn mình cũng có lượng khách nhất định", Hương nói.
Những ngày này, cô bạn trẻ phải dậy từ rất sớm đi cắt hoa, chọn hoa để kịp phiên chợ sáng. Tránh việc quá tải Hương cùng một cô bạn thân hợp tác kinh doanh bán hàng, nhiều khi "đắt khách" Hương và bạn còn phải cắt cử nhau người trông, người đi lấy hoa để phục vụ khách.
Hương cho biết, khâu quan trọng nhất là bảo quản hoa vì nơi cắt hoa khá xa địa điểm bán hàng, hoa rất dễ bị rập nát nếu va chạm mạnh nên khâu này rất được các bạn lưu tâm.
Thông thường, nếu năm nào thuận lợi, mua được hoa đẹp giá sẽ rất cao, doanh thu cao nhất Hương từng đạt được là 3 triệu đồng trong 3 ngày. Cô bạn hào hứng chia sẻ: "Mình mong năm nay được nghỉ sớm để có thời gian đi tìm nguồn hoa phục vụ việc bán hoa dịp Tết Đinh Dậu".
Khi được hỏi có chạnh lòng hay không khi nhà nhà sắm Tết còn mình vẫn đang bận rộn buôn bán, Hương nói: "Những ngày này mình không thấy chạnh lòng vì không khí tấp nập đã khỏa lấp hết rồi. Thật sự bán hàng rất ham.
Điều mình buồn là hôm đầu tiên bán và hôm cuối cùng bị người mua "thờ ơ", sớm quá sẽ bị nói là mua sớm hoa hỏng còn ngày cuối cùng người mua thường bảo đã mua hoa rồi. Lúc đó thật sự xuống tinh thần".
Trong khi các nhân viên khác ở quán cà phê chỉ mong được nghỉ sớm để về quê thì cô bạn Vân Anh, sinh viên trường Đại học Thương mại lại "xin" ở lại làm tăng ca dịp Tết để nhận được khoản lương hệ số cao.
Công việc hằng ngày của của Vân Anh là sáng đi học và chiều đi làm thêm tại quán cà phê. Yêu thích công việc pha chế nên ngay cả những ngày bình thường, cô bạn cũng thường xuyên nhận làm tăng ca khi các bạn đồng nghiệp có việc bận.
"Về quê lúc nào cũng được, sát Tết mình mới về", Vân Anh trả lời khi được hỏi về lý do tăng ca làm vào dịp cuối năm. Cô sinh viên trường Thương Mại cho biết thêm: "Tết đến, bố mẹ mình cũng bận rộn cho việc kinh doanh chẳng mấy khi ở nhà. Bản thân mình lại không muốn ở một mình nên thích ở lại Thủ đô làm thêm, kiếm thêm thu nhập, nhường cho các bạn ở xa về trước, cũng là để tránh tắc đường những ngày này".
"Năm nay, mình sẽ làm cho đến khi sếp cho nghỉ thì thôi chứ không xin về sớm như mọi năm, dự kiến 27 Tết hoặc muộn hơn. Bản thân mình không cảm thấy chạnh lòng khi ở lại Thủ đô một mình vì mình không ở xuyên Tết mà chỉ về muộn hơn các bạn thôi. Một mặt, phục vụ khách hàng là niềm vui của mình và mình yêu thích công việc đó", Vân Anh khẳng định.
Kim Bảo Ngân
(Ảnh: NVCC)