Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 13h ngày 25/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió tối đa 60 km/h (cấp 7), giật cấp 9.

Chiều và tối nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5-10 km/h, đi sâu vào đất liền các tỉnh trên với cường độ không đổi sau đó suy yếu thành vùng áp thấp.

Đến 1h ngày mai, trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sức gió tối đa dưới 40 km/h.

ap-thap-2-6759-1543133603.png

Hướng đi của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Usagi theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương.

Tại TP HCM chiều và đêm nay tiếp tục có mưa to (100-200 mm) kèm lốc xoáy. Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập úng nhiều nơi.

Các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ. 

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200 mm), có nơi trên 250 mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ lượng mưa khoảng 50-100 mm. Áp thấp nhiệt đới cũng gây mưa ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Một đợt lũ cũng được dự báo xuất hiện trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.

Bão Usagi mạnh lên thành bão từ áp thấp nhiệt đới hôm 22/11 và được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ với sức gió tối đa 100 km/h. Tuy nhiên, sau 4 ngày bão Usagi đã di chuyển chệch xuống phía Nam và tầm ảnh hưởng cũng thu hẹp.

Gần trưa nay, bão Usagi áp sát bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre, trong đó trọng tâm là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rồi suy yếu, gây mưa to kèm gió lớn khiến nhiều cây cối ở Vũng Tàu, TP HCM, Bình Thuận gãy đổ.

Hữu Nguyên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022