Sự việc cô gái ăn mặc hở lưng gợi cảm bị quay lén, đưa lên mạng bình phẩm đang được cộng đồng mạng dành sự quan tâm. Nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra, chủ yếu chia làm hai luồng tư duy, trong đó một bộ phận cho rằng cô gái có quyền mặc bất cứ thứ gì cô thích, một số người khác lại cho rằng lộ quá nhiều da thịt ở nơi công cộng là phản cảm.
Cô gái (bên trái ảnh) cho rằng ăn mặc ra sao là quyền cá nhân. Việc cô bị quay lén (bên phải ảnh) là vi phạm quyền cá nhân và bôi nhọ. (Ảnh chụp màn hình)
Không dừng lại ở đó, sự việc đã phát triển thành vấn đề liên quan đến pháp luật khi cô gái trong video bị tung lên mạng cho rằng nam thanh niên quay lén đã vi phạm quyền riêng tư và bôi nhọ cô. Trong khi đó, nam thanh niên quay video đáp rằng: "Mình chỉ quay vu vơ thôi".
Quay video ở nơi công cộng và tung lên mạng bình phẩm có vi phạm pháp luật hay không?
Phân tích ai đúng - ai sai và các vấn đề pháp lý liên quan, TS. LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, cô gái trong video có thể đã đúng nếu như nội dung đăng tải sử dụng hình ảnh của cô gái này không có sự cho phép và gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, uy tín của cô gái.
Luật sư cho biết: "Hiến pháp và pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân trong đó có quyền tự do hình ảnh của mỗi cá nhân.
Việc bày tỏ thái độ quan điểm của mình đối với người khác và các vấn đề xã hội là quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên việc sử dụng hình ảnh, thông tin của cá nhân thì phải được người có hình ảnh đó đồng ý".
Cụ thể, Khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
"Việc ăn mặc như thế nào là quyền tự do của mỗi cá nhân. Người khác cũng có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với cách ăn mặc của họ, tuy nhiên không được phép vì bày tỏ quan điểm mà xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Đồng thời, việc sử dụng hình ảnh của người khác nơi công cộng có thể không cần xin phép nhưng nếu việc sử dụng hình ảnh đó gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định một số trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần phải xin phép, cụ thể như sau: "Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh."
Như vậy, căn cứ vào điểm b, Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự, Tiktoker quay video có quyền sử dụng những hình ảnh của người khác nơi công cộng nhưng không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không cần phải xin phép.
Nếu tự ý chụp ảnh, ghi hình người khác nơi công cộng để sử dụng nhưng lại gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì đây là hành vi không được phép theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, vấn đề ở đây là khi đưa những hình ảnh, thông tin đó lên mạng xã hội thì người ghi hình ảnh này có quan điểm thái độ như thế nào? Ý kiến quan điểm thái độ của người đưa ra hình ảnh đó có làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh hay không, là vấn đề quan trọng để xác định việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không.
Khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định: "Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".
Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác kèm theo những nội dung bình luận ác ý, thiếu thiện chí dẫn đến nhiều người khác vào bình luận, thậm chí chửi bới xúc phạm đến người có hình ảnh khiến người có hình ảnh bị tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì đây là việc sử dụng hình ảnh không được phép, không đúng quy định pháp luật.
"Trong sự việc này, nếu cô gái cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm, bị ảnh hưởng đến uy tín thì hoàn toàn có quyền yêu cầu người có hình ảnh đó phải gỡ bỏ, cải chính và xin lỗi. Nếu hành vi đăng video của Tiktoker gây thiệt hại thì còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, căn cứ vào quy định tại Khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự", luật sư nói.
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.
"Đây là những quy định nhằm bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của công dân, bảo vệ quyền tự do nhân thân và tự do hình ảnh của công dân trước pháp luật. Quy định này không hề mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật quy định nhiều quyền tự do dân chủ, trong đó quyền tự do này có thể bị giới hạn bởi quyền tự do khác. Quyền của chủ thể này bị giới hạn bởi quyền của chủ thể khác. Bởi vậy trong xã hội có pháp luật thì vi của con người sẽ được đánh giá bởi những chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội", luật sư cho hay.
Ăn mặc hở lưng không vi phạm pháp luật
Khi xã hội càng phát triển thì các quyền tự do dân chủ ngày càng được ghi nhận và đảm bảo thực hiện tốt hơn trong đó có quyền tự do về thân thể, tự do cá nhân, tự do trong cách lựa chọn trang phục, đời sống cá nhân được tôn trọng.
Bởi vậy, suy nghĩ bày tỏ quan điểm về người khác trong đó về hình thức, cách ăn mặc, yêu, thích là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, nếu đưa ra những bình luận, bình phẩm thiếu thiện chí, ác cảm phải kèm theo việc sử dụng hình ảnh trái phép gây ra những tổn hại về đời sống, tâm lý, danh dự nhân phẩm của người có hình ảnh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
TS. LS Đặng Văn Cường. (Ảnh: NVCC)
Theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam hiện nay ngày càng ghi nhận quyền tự do cá nhân, trong đó có quyền tự do thân thể, tự do về trang phục. Những hành vi ăn mặc khêu gợi, thậm chí phản cảm nơi công cộng thì cũng chỉ là vấn đề xã hội, có thể có những người chê trách chứ không bị xử lý bởi các chế tài của pháp luật.
Thậm chí hành vi khỏa thân nơi công cộng hiện nay cũng không bị xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ có những hành vi được coi là gây rối trật tự công cộng thì mới bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 144/2021/ NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
"Những hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm, thậm chí khỏa thân nơi công cộng mà không được coi là gây rối trật tự công cộng thì cũng không bị xử phạt mà chỉ có thể bị xã hội cười chê bởi đó là lĩnh vực, phạm trù đạo đức xã hội, không có sự can thiệp bởi pháp luật", luật sư nêu.
Mọi người đều có quyền sử dụng hình ảnh của người khác nơi công cộng nhưng nếu việc sử dụng hình ảnh đó mà gây ra những tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh thì hành vi này không được pháp luật cho phép.
Luật sư tổng kết: "Vụ việc trên sẽ là bài học cho những ai thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội và sử dụng những hình ảnh nơi công cộng để phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc để bày tỏ quan điểm thái độ cá nhân. Việc sử dụng hình ảnh của người khác phải tuân thủ quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự. Dù thuộc trường hợp không phải xin phép theo Khoản 2, Điều 32 thì việc sử dụng hình ảnh đó cũng không được phép nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hình ảnh".