Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, tính đến tháng 9/2023, Việt Nam đã liên kết đào tạo giáo dục với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, top 5 quốc gia phải kể đến tên là Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Australia và Hàn Quốc. Đồng thời, có hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài, riêng các trường đại học của Anh Quốc có trên 90 chương trình. Anh Quốc hiện là đối tác đứng đầu với số lượng các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam, theo số liệu từ Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Sinh viên UWE Bristol@Phenikaa Campus tại khuôn viên trường. Ảnh: UWE Bristol@Phenikaa Campus
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE) lớn thứ 3 ở Đông Nam Á đối với Vương quốc Anh khi có hơn 7.000 sinh viên theo học (số liệu 2021). Theo báo cáo "Hướng tới môi trường giáo dục quốc tế cạnh tranh hơn tại Việt Nam" do Hội đồng Anh thực hiện, Việt Nam đang cho thấy nhu cầu và sức chịu chi cao cho những tiêu chuẩn giáo dục tiên tiến, đồng thời có nhiều tiềm năng hợp tác giáo dục với Vương quốc Anh.
Xét tỷ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài trong từng lĩnh vực thì hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý; 25% là các chương trình liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ; chưa tới 10% là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, còn lại là các lĩnh vực khác.
Sinh viên UWE Bristol@Phenikaa Campus trong một tiết học tại trường. Ảnh: UWE Bristol@Phenikaa Campus
Thực tế, thị trường đào tạo liên kết nước ngoài nở rộ khoảng 10 năm trở lại đây. Thời gian trước, khi hình thức liên kết còn chưa nở rộ, bằng cách truyền thông "du học tại chỗ nhận bằng quốc tế", nhiều phụ huynh và học sinh thấy đây là lựa chọn tối ưu nhờ các lợi ích như chi phí hợp lý, bằng cấp chất lượng quốc tế, tiết kiệm thời gian, nâng cao khả năng ngoại ngữ...
Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế Trường Đại học Phenikaa đánh giá, hợp tác quốc tế trong đào tạo đang được nhiều trường đại học Việt Nam xem là hướng đi tất yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đó có liên kết đào tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, cho phép các trường đại học Việt Nam tiếp cận được với công nghệ đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến, nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận với những dịch vụ giáo dục quốc tế, chất lượng cao cho người học Việt Nam với chi phí hợp lý.
"Sinh viên theo học những chương trình quốc tế sẽ phát triển đồng thời năng lực chuyên môn và năng lực sử dụng ngoại ngữ phục vụ công việc trong tương lai", ông Đảm nói.
Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: UWE Bristol@Phenikaa Campus
Tuy nhiên, khi các chương trình liên kết quốc tế ngày càng nở rộ, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn, làm tăng tính cạnh tranh giữa các chương trình liên kết xuyên quốc gia, đồng thời đặt ra bài toán về chất lượng đào tạo, làm sao để thu hút được người học trong bối cảnh giáo dục đại học của Việt Nam đang có nhiều chuyển biến.
Bối cảnh này, Chương trình UWE Bristol@Phenikaa Campus tổ chức tọa đàm "Giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE): Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam" ngày 10/3, phát sóng trực tuyến trên VnExpress với mục tiêu cung cấp thông tin về các chương trình liên kết TNE, đặc biệt là chương trình liên kết với Anh Quốc và mô hình đại học nguyên bản đến chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Tại tọa đàm, các nội dung như tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giáo dục, các hình thức đào tạo giáo dục xuyên quốc gia ở Việt Nam, đặc biệt là giữa Việt Nam và Anh quốc, ưu điểm và hạn chế của mô hình đào tạo nguyên bản, cũng như thông tin của chương trình đại học nguyên bản UWE Bristol@Phenikaa Campus sẽ được các chuyên gia thảo luận và làm rõ.
Nguyễn Phượng