5 năm trước, khi Liu Dewei mở cửa trường mầm non Beilei ở Rongxian, một quận có 656.000 dân ở khu tự trị Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, trường của anh đã có 140 trẻ em theo học. Nhưng đến năm 2020, con số này đã giảm xuống còn khoảng 30 trẻ.

Lúc đầu, anh nghĩ đó là do phụ huynh lo sợ về dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế cứng rắn về Covid-19 vào cuối năm ngoái, vẫn không có sự cải thiện nào về số lượng trẻ đăng ký học tại trường mầm non của anh.

"Do tỷ lệ sinh giảm", Dewei - người đã đầu tư vài triệu nhân dân tệ vào xây dựng trường nhưng vẫn chưa hòa vốn, cho biết. Đối mặt với tình trạng kiệt quệ về tài chính, anh ấy hiện đang cân nhắc đóng cửa trường mẫu giáo.

Các trường mẫu giáo tư nhân trên khắp Trung Quốc, chiếm hơn một nửa thị trường trường mầm non và thường đắt hơn so với các trường công lập. Họ dường như đang phải vật lộn với số lượng tuyển sinh giảm do tỷ lệ sinh giảm.

photo-3-16761135044681078548110.jpg

Các trường mầm non tư nhân tại Trung Quốc dường như đang phải vật lộn với số lượng tuyển sinh giảm do tỷ lệ sinh giảm

Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc giảm gần một nửa từ 18,8 triệu năm 2016 xuống còn 9,5 triệu vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 1949, theo dữ liệu chính thức. Trong khi đó, số lượng trường mẫu giáo tư thục và tỷ lệ tuyển sinh của các trường này đã giảm năm thứ hai liên tiếp bắt đầu từ 2021, theo số liệu thống kê do Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố. Trước tình trạng này, nhiều người đang gặp khủng hoảng về tài chính do giảm doanh thu từ học phí.

Lucy Wang, một bà mẹ hai con sống ở Thượng Hải cho biết cô đã nhận thấy sự khác biệt về số lượng trẻ đăng ký học tại trường mẫu giáo của con mình. Cô nói: "Có 7 lớp học khi con trai tôi học ở đó từ năm 2015 đến năm 2018 và khi đến lượt đứa nhỏ nhà tôi theo học vào năm 2021, chỉ còn 4 lớp và sĩ số lớp học cũng ít lại".

Ước tính khoảng 30% đến 50% trường mẫu giáo tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động vào đầu thập kỷ này sẽ ngừng hoạt động trước năm 2030, do số lượng học sinh giảm, theo một báo cáo được đưa ra vào năm ngoái bởi Viện Nghiên cứu Giáo dục Sunglory (Sunglory Education Research Institute), có trụ sở tại Bắc Kinh.

photo-2-16761135012141084060166.jpg

Ước tính khoảng 30% đến 50% trường mẫu giáo mới tại Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động

Giáo sư Yuan Xin, chuyên gia nhân khẩu học tại Trường Kinh tế Đại học Nam Khai, cho biết bất chấp những thay đổi trong chính sách khuyến khích sinh con trong vài năm qua, việc đảo ngược xu hướng này sẽ rất khó khăn. Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con gây tranh cãi vào năm 2016, trước khi tiếp tục nới lỏng giới hạn về số con mà một gia đình có thể có là 3 con vào năm 2021.

Chính quyền địa phương đã đưa ra một loạt ưu đãi cho các cặp vợ chồng, bao gồm kéo dài thời gian nghỉ thai sản và nghỉ sinh con cũng như thưởng tiền mặt cho các gia đình có con thứ hai hoặc thứ ba. Tuy nhiên, Yuan cho biết các yếu tố bao gồm chi phí nuôi con ngày càng tăng, giá nhà ở quá cao, mức độ cải thiện giáo dục của phụ nữ và sự tham gia vào lực lượng lao động, cũng như "sự tự thức tỉnh của họ" - tất cả đều dẫn đến tỷ lệ sinh thấp.

Còn chính phủ đã và đang cố gắng chuyển đổi các cơ sở tư nhân thành những cơ sở "giá cả phải chăng", thu phí theo hướng dẫn của chính phủ và nhận trợ cấp của nhà nước. Xiong Bingqi, giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục, cảnh báo rằng việc đóng cửa các trường mẫu giáo trên quy mô lớn sẽ là điều không thể tránh khỏi nếu tỷ lệ giáo viên - học sinh không thay đổi và các trường học và cao đẳng trong tương lai cũng không tránh khỏi tình trạng này.

"Nhưng nếu chúng ta tận dụng cơ hội này để nâng cao tỷ lệ sinh, vốn đã quá thấp ở nhiều vùng của Trung Quốc, thì nhiều giáo viên sẽ không phải mất việc và chúng ta sẽ có một nền giáo dục mầm non chất lượng hơn", ông nói.

photo-1-1676113498076439989668.jpeg

Chính phủ Trung Quốc đã và đang cố gắng chuyển đổi các cơ sở tư nhân thành những cơ sở “giá cả phải chăng”

Yan Suyan, hiệu trưởng trường mẫu giáo thực nghiệm Huana ở Baoding, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đồng ý rằng tỷ lệ sinh giảm cũng đồng nghĩa với cơ hội cho các dịch vụ mầm non tốt hơn. Cô nói: "Toàn bộ lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng bởi việc giảm số lượng tuyển sinh. Một số lượng lớn trường mẫu giáo sẽ biến mất sau 3 hoặc 5 năm nữa, và những ai muốn tồn tại phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình".

Nhưng đối với Liu Dewei, chủ trường mẫu giáo đến từ Quảng Tây, ưu tiên hiện tại của anh là kiểm soát chi phí. "Bây giờ tôi không dám sắm thêm bất kỳ thiết bị nào nữa. Tôi đoán tôi sẽ đóng cửa trường nếu tình hình không được cải thiện trong năm nay", anh buồn bã nói.

Theo SCMP

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022