Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều 27/11 cho biết theo hiệp định hợp tác giáo dục giữa hai nước, Trung Quốc cấp 150 suất học bổng toàn phần mỗi năm cho sinh viên Việt Nam. Sau khi trừ đi số du học sinh đang ở Trung Quốc theo diện này, năm nay chỉ tiêu còn 34.
"Những năm dịch bệnh Covid-19, nhiều người không sang Trung Quốc học được, vì thế năm ngoái, số học bổng nhiều - 77 suất, còn năm nay sẽ ít đi, tổng vẫn là 150", ông Hải nói.
Theo thông báo của Bộ, học bổng được cấp từ bậc đại học đến tiến sĩ, ở tất cả lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, y học, kinh tế, luật, giáo dục, lịch sử, văn học, mỹ thuật...
Phía Trung Quốc chi trả học phí, chỗ ở, bảo hiểm y tế, tài liệu học tập và phí sinh hoạt. Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay lượt đi và lượt về, lệ phí làm hộ chiếu, visa, phí đi đường và một phần sinh hoạt phí.
Khung cảnh hồ Weiming trong khuôn viên Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Học bổng thạc sĩ và tiến sĩ yêu cầu người ứng tuyển đã tốt nghiệp bậc học liền kề trước đó, làm việc tại cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục ít nhất một năm kể từ khi tốt nghiệp. Riêng người tốt nghiệp năm 2024 (đã được cấp bằng và bảng điểm) phải có kết quả học tập từ 8 trở lên, chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động, cam kết trở về sau khi học xong. Ứng viên học bổng thạc sĩ không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 40 tuổi (không quá 35 tuổi với người tốt nghiệp năm 2024).
Học bổng đại học xét học sinh lớp 12 đoạt giải tại các kỳ thi quốc tế, quốc gia và sinh viên năm thứ nhất (hệ chính quy tập trung). Cả hai đều cần có kết quả học tập bậc THPT đến thời điểm nộp hồ sơ từ 7 trở lên.
Học sinh đang học lớp 12 chưa có giấy tốt nghiệp tạm thời và học bạ đủ ba năm THPT; sinh viên năm thứ nhất chưa có bảng điểm học kỳ 1, sẽ được bổ sung hồ sơ sau, lần lượt trước ngày 31/5 và 31/3/2025.
Về ngoại ngữ, người dự tuyển phải có chứng chỉ HSK (bài thi tiếng Trung quốc tế gồm 6 cấp độ) cấp 3 trở lên, còn hiệu lực hoặc có bằng đại học, thạc sĩ học tại Trung Quốc (nếu học bằng tiếng Trung). Nếu đăng ký học bằng tiếng Anh, ứng viên cần có chứng chỉ TOEFL ITP 500 điểm hoặc IELTS 6.0 trở lên (hoặc tương đương), hoặc bằng đại học, thạc sĩ học bằng tiếng Anh ở nước ngoài.
Nếu chưa có ngoại ngữ, ứng viên được học một năm dự bị tiếng tại Trung Quốc và phải vượt qua được kỳ thi sát hạch mới được vào học chuyên ngành.
Ứng viên gửi hồ sơ tiếng Việt, tiếng Anh/tiếng Trung trực tuyến đồng thời tại hai địa chỉ. Cụ thể, hồ sơ tiếng Việt phải được scan, lưu thành file PDF (mỗi tài liệu quét thành một file riêng, dung lượng không quá 1 MB), rồi tải lên trang tuyển sinh của Cục hợp tác quốc tế trước ngày 10/1/2025. Hồ sơ tiếng Trung/tiếng Anh được gửi qua Hệ thống thông tin học bổng chính phủ Trung Quốc, trước ngày 1/2/2025.
Ngoài ra, ứng viên chuyển một bộ hồ sơ giấy tiếng Việt và hai bộ tiếng Trung/tiếng Anh bằng thư chuyển phát nhanh bảo đảm tới Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo ở 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trước ngày 10/1/2025.
Theo Chinese Scholarship Council (trang thông tin về học bổng chính phủ Trung Quốc), mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho du học sinh là 2.500 nhân dân tệ (8,7 triệu đồng), 3.000 nhân dân tệ (10,5 triệu đồng) hoặc 3.500 nhân dân tệ (12,2 triệu đồng) mỗi tháng, tương ứng với bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Thời gian đào tạo chương trình tiến sĩ là 3 - 5 năm, từ 2 đến 4 năm với chương trình thạc sĩ và 4 - 5 năm với hệ cử nhân.
Bình Minh