Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5 về những vấn đề tồn đọng, cấp bách giải quyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành giáo dục có hạn chế "rất cơ bản".
Ngành đã tích cực xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Công tác thông tin, truyền thông chưa được làm tốt, nhất là về những kết quả đạt được. Các sự việc riêng lẻ, vấn đề không được giải quyết, giải trình đến nơi đến chốn dẫn tới bức xúc trong xã hội.
Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực, trong đó có tình trạng "chạy trường, chạy lớp" không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Việc phân cấp quản lý trong ngành còn nhiều bất cập.
Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân của các hạn chế có cả chủ quan và khách quan, nhưng "chủ quan là chủ yếu". "Lãnh đạo Bộ phải thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân, xã hội và dư luận biết, hiểu đúng về tình hình thực tế của ngành", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, đặc biệt là liên quan tới trường lớp, giáo viên để điều chỉnh phù hợp. "Đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ", Thủ tướng nói.
Ông nhắc nhở Bộ thường xuyên rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tiễn đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Chẳng hạn, quy định điểm trường tiểu học ở thành thị phải bảo đảm độ dài đường đi học của học sinh không quá 500 m, vùng đặc biệt khó khăn không quá 2 km, hiện không còn phù hợp do giao thông đã phát triển rất nhiều.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tăng cường đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng "lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực, người truyền cảm hứng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5. Ảnh: VGP.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ một số khó khăn với ngành như nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với nhiệm vụ đặt ra; tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, thừa, thiếu giáo viên cục bộ...
Ông Sơn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách thiết thực, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đầu tư tài chính cho giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Về các kiến nghị này, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi, làm rõ nội dung nào thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, nội dung nào của Bộ. Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xử lý. Những vấn đề liên ngành, liên bộ thì cùng các bộ thảo luận, tháo gỡ. Vấn đề nào nằm tại các luật thì đề xuất, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi.
Ngoài việc giải quyết các vấn đề tồn đọng, Thủ tướng nhấn mạnh việc cấp bách Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm bây giờ là phòng chống Covid-19. Với hơn 1,2 triệu giáo viên, gần 24 triệu học sinh, sinh viên, bằng 1/4 dân số cả nước, ngành cần phối hợp với các cơ quan triển khai nghiêm túc việc phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ phải có các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Xuân Hoa