Sau thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, trả lời VnExpress chiều 5/12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ một số điểm khác biệt nổi bật giữa mô hình trường đại học và đại học tại Việt Nam.

Ông Sơn cho biết theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục bậc đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên.

Thứ trưởng đánh giá mô hình đại học sẽ giúp các trường tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường đại học và khoa trực thuộc. Bên cạnh đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành trường thành viên. Ông Sơn cho biết việc thay đổi cơ cấu không chỉ xảy ra theo hướng cơ học, giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, mà tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo.

"Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc", ông Sơn nói.

3456-1667043424-4552-1670243347.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a_4XnfrJcWse-maNrUsUHg

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại họp báo Chính phủ chiều 29/10. Ảnh:Nhật Bắc

Về tổ chức quản trị, ông Sơn cho biết không có quá nhiều khác biệt giữa trường đại học và đại học. "Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học, có nhiệm vụ khác hơn một chút với những chiến lược vĩ mô, áp dụng cho cả đơn vị thành viên", ông Sơn giải thích.

Thứ trưởng Giáo dục nhận định không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình. "Không phải cứ lên đại học là hơn, quan trọng là trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp", ông Sơn nói và nhấn mạnh việc chọn đúng mô hình sẽ giúp các trường hoạt động hiệu quả.

Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các đơn vị cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.

Hiện cả nước có khoảng 240 trường đại học và 6 đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội).

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022