Việt cổ phục là tài sản vô giá, là linh hồn của dân tộc được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm, được viết lên bằng máu và nước mắt của cả dân tộc. Đó chính là biểu tượng của sự trường tồn là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai.
Theo đó, không chỉ được trải nghiệm cổ phục Việt, thầy trò trường Đại học Đại Nam còn được tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của từng loại cổ phục. Mỗi loại trang phục là "chứng nhân" của một thời kỳ lịch sử khác nhau góp phần tạo dựng bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Màn trình diễn cổ phục ấn tượng của thầy trò DNU tại chương trình Tấm bánh nghĩa tình 2024 - Trở lại Tết xưa.
Lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc bằng ngôn ngữ của hơn 50 bộ Việt cổ phục. Đánh thức lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy ý thức, trách nhiệm bảo tồn, lan toả những giá trị văn hoá truyền thống trong giới trẻ, bởi: "Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hoá còn dân tộc còn…"
Thầy cô, sinh viên và Hoa hậu - giảng viên trợ giảng Lương Thuỳ Linh trình diễn Việt cổ phục trước cánh cổng mặt trời và bản đồ đất nước.
Không chỉ được khoác lên mình những bộ Việt cổ phục đẹp, thầy trò Đại Nam còn được tìm hiểu sâu về các loại trang phục, như: áo Nhật bình, áo Tấc, áo Ngũ thân, áo Giao lĩnh....
Áo Nhật Bình (đỏ) là trang phục của giới quý tộc, tượng trưng cho quyền lực, sự quý phái, sang trọng và thịnh vượng.
Áo Tấc - trang phục trang trọng thời nhà Nguyễn, tượng trưng cho quan điểm về ngũ thường theo quan điểm Nho giáo và ngũ hành theo triết học Đông phương, được sử dụng trong các dịp trọng đại, như: Kết hôn, lễ tết, hội hè, đình đám…
Áo Tấc được kết 5 khuy theo quan điểm ngũ thường nghĩa là : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Áo Ngũ thân thể hiện đặc tính khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc và thẩm mỹ tinh tế của người mặc.
Áo ngũ thân nam mang đến vẻ trang nghiêm, oai phong, bản lĩnh. Trong khi đó, áo ngũ thân nữ thiên về sự dịu dàng, trang nhã.
Áo ngũ thân đại diện cho ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.
Áo Giao Lĩnh (trái) thường được sử dụng như lễ phục trong các dịp quan trọng và trở thành trang phục chính thức của người mệnh phụ Việt Nam dưới thời nhà Lý.
Sau mỗi tấm áo là lịch sử. Sau sự trở lại của cổ phục là tình yêu và sự trân trọng đối với tinh hoa văn hóa dân tộc.
Hãy cùng thầy trò trường Đại học Đại Nam lưu giữ, bảo tồn cổ và lan toả các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.