Phương pháp chăm sóc và nuôi dạy của cha mẹ quyết định phần lớn tới tính cách, tâm lý của trẻ nhỏ trong tương lai. Có một số giai đoạn hay thời điểm, trẻ sẽ có những hành vi chưa chuẩn mực, điều này có thể do học theo bạn bè hoặc bắt chước ai đó. Đây là một phần trong hành trình trưởng thành của con đòi hỏi sự kiên nhẫn của ba mẹ.

Tuy nhiên, khi thấy con có những hành vi dưới đây, cha mẹ nên nhắc nhở ngay. Bởi nếu để nó trở thành thói quen sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách của trẻ trong tương lai. Cha mẹ nên sớm khuyên nhủ và hướng dẫn con không được lặp lại vào lần kế tiếp.

1. Bắt nạt người yếu thế hơn

Đứa trẻ nào cũng muốn trở thành người "nắm quyền". Trẻ sẽ cảm thấy tự hào, ngạo mạn khi thấy người khác phải nghe lời, làm theo những điều trẻ nói. Thế nhưng, về lâu về dài, tính cách này sẽ biến trẻ trở thành người thích bắt nạt người khác, đặc biệt là các bạn, các em yếu thế hơn mình. Cha mẹ cần hành động ngay để ngăn chặn hành vi xấu này của trẻ.

- Dạy con ngay từ nhỏ rằng bắt nạt là hành vi sai trái. Giải thích cho trẻ biết hành động bắt nạt là như thế nào, lấy ví dụ cụ thể.

- Lập quy tắc không có hành vi bắt nạt trong gia đình, nếu phát hiện bé lớn có dấu hiệu bắt nạt các bé nhỏ hơn thì cần điều chỉnh hành vi ngay lập tức.

2. Hành vi hung hăng, bạo lực

Bạo lực ở đây là đánh, đấm, quát mắng hoặc gây ra tổn thương nào đó cho người đối diện. Tính cách này thường do trẻ đã từng bị ba mẹ đối xử tương tự hoặc bắt chước ai đó. Thêm vào đó, tính cách này cũng xuất hiện ở những đứa trẻ không kiểm soát được hành vi, từng bị tổn thương gây nên tính hung hăng.

Đôi khi, trẻ dùng đến bạo lực để tự vệ. Hành động hung hăng cũng có thể do trẻ học được từ môi trường lớp học, bạn bè. Cha mẹ hãy lưu ý nếu trẻ có các hành vi như cắn, đấm, đá, đánh. Đừng cho rằng "nó còn bé thì biết gì" nhưng đợi lớn mới dạy thì đã muộn.

photo-1-1705199021096397522445.jpg

Ảnh minh họa.

- Thay vì la hét để đàn áp trẻ, cha mẹ nên chọn cách làm khác hiệu quả hơn bằng cách giữ giọng bình tĩnh, đồng cảm và giải thích chúng ta đều có thể tức giận, nhưng những hành động hung hăng như con là không được phép, chúng ta không làm như vậy.

- Với trẻ nhỏ, đưa ra các hành động thay thế giúp trẻ xả cơn giận như dạy trẻ nói: Con đang rất giận, con không thích, con thấy không vui chút nào.

- Khen ngợi và khuyến khích những hành vi tích cực, không bạo lực ở trẻ.

3. Nói chuyện với người lớn bằng giọng thiếu tôn trọng

Có những giai đoạn trẻ thích thể hiện cái tôi, tìm mọi cách để được mọi người để ý tới. Lúc còn nhỏ, khi thấy trẻ cãi người lớn, mọi người thường cảm thấy rất đáng yêu. Thế nhưng khi trẻ đã lớn và sẵn sàng cãi lại cha mẹ mọi lúc thì đó là hành vi cần sửa đổi.

Đứa trẻ hay cãi lại người lớn, dùng những lời nói thiếu tôn trọng hoặc có thái độ xấc xược cần phải uốn nắn ngay. Cha mẹ không nên dùng đòn roi, bạo lực hay quát mắng vì trẻ sẽ học theo điều đó. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng, bình tĩnh phân tích và dạy bảo con dần dần.

- Cha mẹ cần khéo léo khuyến khích và khen ngợi vì con đã làm theo hướng dẫn, tức giận cũng là điều bình thường thôi, còn thái độ nói chuyện không tôn trọng người lớn lại là vấn đề cần tránh.

- Nếu trẻ cãi lại và hàm ý một mối đe dọa nào đó, cha mẹ cần xem xét lại. Hãy để con bình tĩnh và sau đó giải quyết những gì con vừa nói với thái độ điềm đạm, giải thích cho con hiểu hành vi nào được chấp nhận và những hành động nào là không được phép xảy ra.

- Đặt ra giới hạn: Cha mẹ cần làm rõ giới hạn hành vi và cho trẻ thấy rõ phần thưởng cũng như hậu quả của hành vi ấy, nhưng với thái độ cứng rắn chứ không phải đe dọa trẻ. Ví dụ: Nếu con tiếp tục cãi ngang, không nghe lời thì con sẽ không được ăn kem hoặc đi xem bộ phim yêu thích nữa. Nhưng nếu con không la hét và biết lắng nghe thì con sẽ được ăn một món rất ngon và yêu thích tối nay.

- Cuối cùng, cha mẹ hãy tự kiểm tra lại hành vi của chính mình xem có cư xử thô lỗ với trẻ hay không, hoặc với người khác mà trẻ ở gần và vô tình nhìn, nghe thấy. Nếu có, hãy thay đổi cách cư xử để trẻ noi theo.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022