Người mẹ 38 tuổi ở Hà Nội nhớ "mang máng" từng có phụ huynh đăng ảnh thực đơn theo tuần hồi tháng 10. Nhưng từ đó, chị không thấy thêm thực đơn nào, cũng không thắc mắc về điều này. "Công việc bận, lại nhiều nhóm chat nên tôi chỉ quan tâm tin nhắn đóng tiền hay những nhắc nhở của giáo viên", chị Giang nói.

Chị Giang kể, đầu năm học, ban phụ huynh lớp có tới thăm bếp nấu công nghiệp của đơn vị mà trường hợp tác. Không đi được, chị Giang chỉ xem thực đơn và bếp nấu qua hình ảnh các phụ huynh chụp và gửi vào nhóm. "Tôi không rõ bữa ăn hàng ngày của con gồm những gì, thành phần dinh dưỡng hay nguồn gốc thực phẩm thế nào. Thông tin tôi có là suất ăn giá 30.000 đồng, gồm bữa chính và quà chiều", chị Giang chia sẻ.

Đây cũng là chia sẻ của chị Liễu, 32 tuổi, sống tại TP HCM. Vì trường không gửi thực đơn hàng ngày, chị thường hỏi con gái lớp 4 "hôm nay ăn gì". Có lần con bị đau bụng, chị Liễu cũng nghi ngờ do thức ăn tại trường nên phải hỏi các phụ huynh khác xem có con ai gặp tình trạng tương tự không.

"Sau vụ học sinh ngộ độc tại Nha Trang, tôi lo lắng và mong trường siết chặt quản lý, giám sát việc tổ chức ăn bán trú, đồng thời thông tin rộng rãi cho phụ huynh", chị Liễu nói.

thuc-don-9860-1604321946-jpeg-2957-1669251041.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1nHuGne3Z-bF7ftGcg58Ow

Bảng thực đơn bán trú theo tuần từ ngày 2 đến 6/11/2020 của trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hồi cuối tháng 10, khoảng 1.800 trên tổng số 2.835 trường (tương đương 63,4%) tổ chức bán trú, mỗi ngày phục vụ một triệu học sinh. Còn tại TP HCM, hơn 70% trong số hơn 2.300 trường học tổ chức bán trú.

Một số hiệu trưởng nói việc tổ chức bữa ăn bán trú thường theo hai hình thức. Một là hợp đồng với bên làm dịch vụ, đến giờ họ sẽ mang thức ăn đến chia cho học sinh. Cách thứ hai là tổ chức bếp ăn tại trường, do nhân viên của trường nấu hoặc thuê một đơn vị ở ngoài vào nấu.

Cô Xuân, hiệu trưởng một trường THCS ở TP HCM nói "lo không kém các bố mẹ" khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Nhiều năm nay, trường cô Xuân ký hợp đồng với một đơn vị tại quận 2, cách trường khoảng 3 km, để cung cấp suất ăn cho hơn 1.000 học sinh. Dù đã thành lập đoàn kiểm tra gồm đại diện ban giám hiệu, nhân viên y tế và phụ huynh, cô Xuân cho biết chỉ có thể qua đột xuất, mỗi tuần 1-2 lần chứ "không thể trông chừng hàng ngày". Chưa kể, các thành viên của đoàn "nhìn và đánh giá bằng mắt thường, không thể đảm bảo tuyệt đối an toàn".

"Chuyện đảm bảo an toàn của bữa ăn, nhiều khi không phải do có kinh nghiệm mà là do có may mắn hay không. Mỗi ngày, tôi đều ở trường đến 6-7h tối, không thấy phản ánh về tình trạng sức khỏe học sinh mới thở phào đi về", cô Xuân nói.

Nỗi lo này cũng thường trực với những trường cho nấu ăn tại chỗ. Cô Hương, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết trường có bếp nhưng không đủ người, phải thuê một công ty đến nấu. Đơn vị này sẽ mua thực phẩm, chế biến gần 1.000 suất ăn mỗi ngày.

Để giám sát, trường cũng thành lập một tổ, gồm ban giám hiệu, nhân viên y tế và đại diện phụ huynh các lớp. Từ 4h30, các thành viên phải dậy để kịp 5h30 tới trường, kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc thực phẩm trước khi chế biến. "Chúng tôi luôn cẩn thận và thực hiện quy trình giám sát nghiêm túc, mà lúc nào cũng lo có sai sót", cô Hương chia sẻ.

Cô Hương cho biết các thành viên của tổ giám sát dùng một bộ dụng cụ kiểm tra nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, rồi nhìn xem thực phẩm có tươi ngon không. "Về tổng thể, việc kiểm tra vẫn chủ yếu dựa vào cảm quan, còn bộ dụng cụ không biết tác dụng đến đâu", cô Hương nói.

Bong-sao-6945-1647850697-jpeg-5251-1669251041.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n8X0KalRxgn5jTB0cMDlyw

Học sinh trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 ăn bán trú hồi giữa tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài khâu giám sát, một "bài toán" khiến các trường đau đầu là chọn thực đơn.

Cô Xuân nói các hướng dẫn về dinh dưỡng trong trường học khá đẩy đủ, từ chỉ đạo cấp Chính phủ lẫn thông tư liên tịch của ngành y tế, giáo dục. Hàng năm, trường học và những nơi cung cấp suất ăn đều được tập huấn. Song, do không có chuyên gia, các trường phải chủ động cân đối giữa nhiều yếu tố: dinh dưỡng, giá cả, khả năng chế biến và sở thích của học sinh.

Thừa nhận là những người "tay ngang" về dinh dưỡng, những góp ý về thực đơn của cô Xuân và đồng nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, quan sát học sinh và qua ăn thử. "Nhiều học sinh không thích cá kho, lại dễ hóc xương, dù món này ngon, nhiều chất. Tương tự với rau, các em cũng không ăn những loại hơi đắng", cô Xuân lấy ví dụ cho thấy nhiều món ăn đủ dinh dưỡng mà trẻ không thích ăn thì "cũng chịu".

Từng làm việc với một chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản về bữa ăn học đường, cô Thanh, một hiệu trưởng trường tiểu học ở nội thành Hà Nội, cho rằng lý thuyết về dinh dưỡng với thực tế rất khác nhau. "Theo chuyên gia đó, cần tới tám món ăn cho một bữa, mỗi món lại chỉ một xíu, trẻ lại không hào hứng, nên chúng tôi thử nghiệm hai ngày rồi lại quay về như cũ", cô Thanh nói.

Ngoài ra, với mức thu một ngày ăn bán trú khoảng 30.000-35.000 đồng, các trường chỉ có thể mua những thực phẩm quen thuộc như thịt gà, lợn thay vì cá hay thịt bò. Bữa xế cũng phải tính toán sao cho chỉ rơi vào vài nghìn đồng.

Hiệu trưởng Thanh cho biết các món phổ biến trong thực đơn bán trú của học sinh trường cô là thịt băm, thịt xào, trứng đúc, canh rau ngót, bắp cải, bí đỏ xào. Điểm chung của những món này là mềm, có thể cắt nhỏ, thuận tiện cho học sinh tiểu học trộn cùng cơm và xúc ăn. Với bữa xế, theo cô Thanh, các trường chủ yếu cho trẻ ăn nhẹ, gồm cháo, sữa chua hoặc các loại bánh.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đánh giá dù đã được tập huấn, song việc thiếu chuyên gia là khó khăn của các trường trong tổ chức bán trú. "Thể trạng học sinh khác nhau, có em béo, em gầy, nên chỉ có chuyên gia mới cân đối được dinh dưỡng phù hợp", ông Trọng nói.

Theo các hiệu trưởng, trong danh mục khung vị trí việc làm với các trường phổ thông, được quy định tại Thông tư 16 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia dinh dưỡng, tư vấn sức khoẻ học đường không thuộc vị trí nào. Do đó, các trường không có cơ chế để tuyển thêm người.

Cô Xuân hy vọng được cơ quan quản lý, y tế hỗ trợ nhiều hơn, để việc tổ chức bán trú không còn là trách nhiệm riêng của từng trường. Nữ hiệu trưởng đề xuất Ban Quản lý An toàn thực phẩm của thành phố đi kiểm tra các bếp ăn, cơ sở cung cấp thực phẩm cho trường học. Căn cứ vào cơ sở vật chất và khả năng cung ứng, Ban đưa ra quy định về số suất ăn tối đa mà những nơi này có thể đảm nhận, sau đó công khai danh sách đơn vị đạt chuẩn để các trường tham khảo, lựa chọn.

Ngoài ra, cô Xuân mong được hỗ trợ 1-2 chuyên gia, cùng trường kiểm tra đột xuất các bếp ăn và tư vấn thực đơn bán trú. "Người có chuyên môn đi kiểm tra cùng sẽ giúp trường yên tâm hơn. Khi phát hiện sai phạm cũng có thể chấn chỉnh, lập biên bản, thậm chí thu hồi giấy phép ngay", cô Xuân nói.

suat-an-6883-1570153752-jpeg-9290-1669251042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1qx8656zu7rxcM-Sw5Z1Mw

Định lượng suất ăn trưa dành cho ba học sinh tiểu học của một trường ở Hà Tĩnh, tháng 9/2019. Ảnh: Đức Hùng

Nhận định rất khó để có một chuyên gia dinh dưỡng riêng ở mỗi trường, cô Hương cho rằng các Phòng, Sở và y tế địa phương cần tăng cường tập huấn về chế độ dinh dưỡng, cách tổ chức và giám sát bữa ăn học đường. "Nếu được, tôi mong các cơ quan chuyên môn từng khu vực cử một bộ phận chuyên phụ trách tư vấn thực đơn, hỗ trợ các trường về bữa ăn bán trú", cô Hương nói.

Theo các nhà giáo, với việc tổ chức dạy học hai buổi mỗi ngày, việc ăn bán trú nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh, bởi không phải gia đình nào cũng có thể đưa đón con.

"Tôi mong phụ huynh và xã hội không coi bán trú là mô hình trường mở ra để kiếm tiền", cô Xuân nói, cho biết mong phụ huynh chung tay với nhà trường trong việc chăm lo bữa ăn cho trẻ.

Đây cũng là nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong công văn yêu cầu tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm ở trường học hôm 21/11. Bộ đề nghị các trường tăng cường kiểm tra liên ngành, huy động Ban phụ huynh tham gia để giám sát việc chăm sóc sức khoẻ học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học.

Chị Thanh Ngân, ở Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết sẵn sàng hỗ trợ trường trong hoạt động bán trú. Trường con chị từng có khoảng 20 học sinh bị đau bụng, buồn nôn, sốt và tiêu chảy sau bữa trưa. Nhiều cháu có kết luận bị nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hóa. Theo chị, do tình trạng của các con không diễn tiến nặng và khỏi sau 1 - 2 hôm nên phụ huynh cũng bỏ qua. Sau lần ấy, trường tổ chức đưa đại diện cha mẹ các lớp tới thăm nơi cung cấp thực phẩm cho trường, tăng tần suất kiểm tra bếp ăn bán trú, thay vì chỉ một lần mỗi tuần như trước. Chị Ngân cho rằng phụ huynh có thể thay nhau để ngày nào cũng đến trường kiểm tra, thậm chí ăn trưa cùng các con.

Ngoài ra, chị mong được hướng dẫn cách xử lý nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường. "Khi không được cung cấp thông tin đầy đủ, phụ huynh dễ hoang mang. Nếu mọi thông tin được minh bạch, tôi tin phụ huynh sẽ tin tưởng và chủ động san sẻ công việc với trường", chị Ngân nói.

Còn chị Liễu, sau khi chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm của con về mong muốn được nhận thực đơn bán trú hàng tuần, chị đã được đáp ứng. "Hoá ra trường luôn dán thực đơn trước cửa khu bếp nấu, chỉ là chưa có chủ trương thông báo đều đặn tới phụ huynh và cũng do không phải bố mẹ nào cũng để ý", chị Liễu nói và cho rằng nhiều khi do tâm lý ngại ngần mà phụ huynh chưa thẳng thắn nêu đề nghị của mình.

"Nếu giải quyết được khúc mắc này, thông suốt thông tin, sự phối hợp của phụ huynh và trường sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều", chị Liễu nói.

Thanh Hằng - Bình Minh

*Tên các hiệu trưởng được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022