Vừa qua, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNESCO đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020.
Nhìn lại giáo dục Việt Nam trong một thập kỷ qua, có thể thấy có rất nhiều lát cắt cho thấy chất lượng giáo dục Việt Nam ngày một tăng lên nhưng chưa bền vững.
Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non
Báo cáo phân tích được GS. TS Lê Anh Vinh, Viện Trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày tại hội thảo khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành tựu về tiến bộ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục.
Trong đó, đối với bậc học từ mầm non đến THPT, 10 năm qua, quy mô Nhà trẻ, Mẫu giáo, học sinh Tiểu học, THCS tăng trung bình lần lượt là 4,4%; 3,9%; 2,4% và 1,4%. Riêng học sinh THPT giảm trung bình 0,6%. Tỷ lệ học sinh phổ thông đi học đúng độ tuổi ở các cấp học ngày càng tăng.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được cải thiện, trong đó giáo dục Tiểu học tạo nền tảng vững chắc. Kết quả từ các kỳ đánh giá PISA 2012, 2015 cho thấy điểm trung bình của học sinh Việt Nam vượt trội so với học sinh OECD (các nước phát triển). Tuy nhiên, theo GS Lê Anh Vinh, ở chiều ngược lại, tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao lại rất thấp.
Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo này là vấn đề quản lý nhân lực.
Năm học 2019-2020, toàn quốc thiếu hơn 42.000 giáo viên mầm non công lập, đã tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ: thời gian làm việc mỗi ngày trên 10 tiếng, chưa kể thời gian đón, trả trẻ, sinh hoạt chuyên môn, hoạt động xã hội,...
Xét về phương diện tổng thể, tỉ lệ giáo viên/lớp ở trường phổ thông đạt chuẩn quy định, nhưng về cơ cấu, thiếu giáo viên cấp THPT (các môn Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Sinh học và Giáo dục công dân) và thừa giáo viên THCS (các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn). Đặc biệt thiếu giáo viên ở trường Tiểu học 2 buổi/ngày (thiếu 8.743 giáo viên) và ở bậc THPT (thiếu 4.706 giáo viên); nhưng thừa giáo viên ở trường 1 buổi/ngày. Theo thống kê, tình trạng này tồn tại ở tất cả khu vực, vùng miền và địa phương.
Lãnh đạo Sở/Phòng phải làm cả việc của chuyên viên
Mặt khác, Báo cáo cũng chỉ ra rằng quy trình quản lý nhân lực phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý trong ngành giáo dục.
Cụ thể, quy trình quản lý nguồn nhân lực hiện nay đang phải tuân thủ nhiều Luật (như Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục) và nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên có sự tham gia của ngành GD&ĐT, ngành Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Cùng đó, vai trò của ngành giáo dục trong việc tuyển dụng đội ngũ cũng bị hạn chế. Ví dụ như cán bộ quản lý giáo dục địa phương ở cấp Sở là Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng chuyên môn và chuyên viên; ở cấp Phòng là Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và chuyên viên. Tuy nhiên thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh và ngành Nội vụ.
Ngành Giáo dục không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu về công tác tuyển dụng dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý cấp Phòng, Sở; đồng thời thừa - thiếu giáo viên và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.
Theo báo cáo, do thực hiện chính sách giảm biên chế, hầu hết các Sở/Phòng GD&ĐT đều thiếu cán bộ chỉ đạo và chuyên viên điều hành hoạt động chuyên môn. Mỗi Phòng GD&ĐT thường có 1, 2 phó trưởng phòng (quy định tối đa là 3 người); mỗi Sở/Phòng GD&ĐT thường có 8-10 chuyên viên (trong khi nhu cầu mỗi Phòng GD-ĐT cần 16-20, mỗi Sở GD-ĐT cần 65-70 chuyên viên). Vì thiếu chuyên viên nên nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên “biệt phái” từ các trường lên.
Báo cáo nêu rõ vấn đề bất hợp lý là Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính (phân bổ, thu/chi ngân sách nhà nước) trong phạm vị quản lý của mình. Điều này làm giảm chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.