Tiến sĩ Phạm Hiệp, thành viên nhóm nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh thực hiện, cho biết thống kê trên tại một hội nghị hôm 26/9.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6, với 120 trường đại học tại Việt Nam; phỏng vấn hơn 30 chuyên gia; phân tích tài liệu và đối sánh với kinh nghiệm quốc tế.

Sinh viên quốc tế đến Việt Nam chia làm hai nhóm: ngắn hạn (khóa học hè, trao đổi...) và dài hạn (học chương trình cấp bằng cử nhân 4 năm hoặc thạc sĩ hai năm). Mỗi năm có khoảng 1.400-3.900 ngắn hạn và 4.300-5.000 dài hạn.

"Số sinh viên quốc tế giảm nhẹ trong những năm dịch bệnh Covid-19 nhưng đang đà tăng trưởng lại trong 2-3 năm gần đây, chủ yếu diện tự túc", TS Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, trường Đại học Thành Đô, nói.

Theo số liệu khảo sát các trường trong 5 năm, số sinh viên dài hạn năm 2019 là 4.831, sau đó giảm hai năm liên tiếp xuống thấp nhất ở mức 4.352, rồi tăng lên 5.021. Với ngắn hạn, sau khi giảm một nửa vào năm 2020, số sinh viên quốc tế tăng liên tục, đạt 3.927.

sv-quoc-te-HANU-6145-1727518645.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bx_zERA3KUGEF4Sv768-vQ

Sinh viên quốc tế trong một sự kiện của Đại học Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá kết quả trên đáng mừng. Theo ông, trước đây, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học chủ yếu theo diện học bổng Hiệp định giữa chính phủ Việt Nam và các chính phủ nước ngoài (khoảng 20 quốc gia). Hiện nay, sinh viên quốc tế diện tự túc toàn phần hoặc bán phần ngày càng tăng.

Sinh viên quốc tế đến Việt Nam học nhiều ngành, từ Y, Dược, Kinh tế, Kinh doanh, hoặc văn hóa và ngôn ngữ. Người đến từ Lào, Campuchia thích học Y, Dược vì chương trình của Việt Nam chất lượng, giúp họ có cơ hội kiếm việc làm ở quê nhà. Sinh viên phương Tây thường đến học theo chương trình trao đổi giữa các trường, học chủ yếu về văn hóa, Việt Nam học.

5 quốc gia có sinh viên đến học dài hạn nhiều nhất là Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Năm nước có đông sinh viên học ngắn hạn gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Pháp.

bao-cao5-8527-1727365506.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W0JbsDpjijYC1tYS4TWJmQ

Số sinh viên quốc tế dài hạn tại 120 trường của Việt Nam trong 5 năm.

Một trong các lý do thu hút sinh viên quốc tế hơn trước là các đại học đã tham gia chương trình dịch chuyển sinh viên quốc tế, triển khai chương trình đào tạo tiên tiến, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy. Hai là, châu Á đang trở thành điểm đến mới của học sinh quốc tế. Người học tới đây, ngoài bằng cấp, còn muốn trải nghiệm văn hóa để mở rộng cơ hội việc làm.

Ông Vang nhận định sinh viên nước ngoài đến học mang lại lợi ích khi thúc đẩy phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa, tăng ảnh hưởng chính trị và nâng cao hiểu biết về Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Giáo sư Trần Thị Lý, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng việc này còn tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam và tăng xếp hạng đại học. Sinh viên trong nước nhờ đó phát triển trình độ tiếng Anh và năng lực học tập, làm việc trong môi trường đa văn hóa. Đây còn là cơ hội để giáo viên đổi mới và quốc tế hóa chương trình giảng dạy.

"Sinh viên quốc tế sẽ trở thành cầu nối văn hóa, giúp giới thiệu Việt Nam đến các nước. Ngoài ra, nguồn thu từ họ còn hỗ trợ các trường đại học", giảng viên Đại học Deakin, Australia, nói.

bao-cao6-3742-1727365506.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1iTdgRYCc5pvNBCfbMB9AQ

Số sinh viên quốc tế ngắn hạn tại 120 trường của Việt Nam trong 5 năm.

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ ba về xuất khẩu ròng học sinh, sinh viên, với số lượng người học ở các quốc gia khác là 129.000, lớn hơn nhiều so với số sinh viên nước ngoài học tại Việt Nam. Singapore hay Malaysia cũng ở tình trạng tương tự vào đầu những năm 2000, sau đó tiến đến cân bằng và hiện là những nước nhập khẩu ròng, thu hút lượng lớn người đến học.

Để Việt Nam là điểm đến của giáo dục quốc tế, ông Hiệp cho rằng phải có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hoặc không phải tiếng Việt; cơ sở vật chất như ký túc xá, kinh nghiệm làm việc với các hiệp hội hay đầu mối kết nối sinh viên. Chính phủ cũng cần có chiến lược cụ thể hơn trong việc quốc tế hóa giáo dục, như chỉ tiêu về sinh viên quốc tế, tạo điều kiện cho các trường nước ngoài mở phân hiệu tại Việt Nam, và chính sách visa thuận lợi.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022