- Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sắp tới sẽ cụ thể hóa chủ trương chuyển dần cơ chế biên chế trong giáo dục sang hợp đồng. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
- Một nền giáo dục muốn khuyến khích học sinh đổi mới sáng tạo thì phải dân chủ, tự do, để được quyền lựa chọn, thể hiện mong muốn của mình. Học sinh phải được quyền lựa chọn ai dạy mình và học cái gì. Nhà trường cũng phải đáp ứng được những điều học sinh muốn, chứ không phải tôi có giáo viên như thế và chỉ được như thế, học sinh bắt buộc phải học.
Để đáp ứng điều này phải thay đổi nhiều thứ, trong đó có biên chế giáo viên. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục. Biên chế là cột cứng một người vào một vị trí và cứ thế thực hiện nhiệm vụ. Còn nếu không biên chế, thực hiện ký hợp đồng, thì khi trường có nhu cầu người cung cấp kiến thức ra sao sẽ đặt vấn đề tuyển dụng người như thế. Khi người này không đạt yêu cầu hoặc nhu cầu cung cấp không còn phù hợp thì nhà trường có quyền dừng hợp đồng.
Như vậy, biên chế không phải chỉ liên quan đến giáo viên mà còn là sự thay đổi quan niệm về vấn đề cung cấp dịch vụ giáo dục cho xã hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, hiệu phó ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Võ Hải |
- Việc thay đổi từ biên chế sang hợp đồng còn những lợi ích gì khác, thưa ông?
- Cái tốt đầu tiên là mang lại lợi ích cho nhà trường, cho xã hội, học sinh. Học sinh được lựa chọn người thầy giảng dạy mà các em yêu thích. Điều này quyết định quan trọng đến sự hứng khởi của học sinh. Nếu học mà bị gò ép, phải học người không thích thì sẽ tạo ra sự ức chế.
Giá trị thứ hai là bản thân nhà trường và xã hội có cơ hội lựa chọn những người giỏi nhất để sử dụng. Và thứ ba là thay đổi này cũng tốt cho giáo viên. Giáo viên sẽ có cơ hội phấn đấu vươn lên, nếu giỏi sẽ được vào những trường tốt hơn, ở vị trí tốt hơn.
Bản chất con người ai cũng muốn vươn lên, không ai muốn đứng yên một chỗ. Nhưng vì đã biên chế ở vị trí này, dù có dạy tốt hơn nữa thì giáo viên cũng chỉ thế thôi, thế thì phấn đấu làm gì. Nhưng ở cơ chế hợp đồng, nếu phấn đấu giáo viên sẽ ở vị trí cao hơn, dạy được ở trường tốt hơn, làm được việc hay hơn. Như vậy, cá nhân giáo viên cũng có nhiều lợi thế. Khi xã hội lựa chọn, cá nhân sẽ tích cực phấn đấu.
- Ông nghĩ sao về việc khi chuyển sang cơ chế hợp đồng, quyền lực sẽ tập trung ở hiệu trưởng và dẫn đến sự lạm quyền?
- Một vài người e ngại là khi chuyển sang hợp đồng giáo viên mất quyền sáng tạo, thể hiện chính kiến và phụ thuộc vào nhà quản lý, hoặc có sự đánh giá không công bằng giữa người có năng lực thực sự và người không có năng lực. Tuy nhiên, đây là vấn đề khác. Đi liền với cơ chế thay đổi từ biên chế sang cơ chế tuyển dụng này chúng ta phải có cơ chế đánh giá. Làm sao để đánh giá được người này hơn người kia, từ đó ký hợp đồng.
Trong cơ chế đánh giá, học sinh, phụ huynh giữ vai trò quan trọng. Chính phụ huynh sẽ quyết định việc lựa chọn trường, lớp cho con. Tiếp đó còn có sự đánh giá giữa đồng nghiệp với nhau và cuối cùng mới đến người quản lý đánh giá. Người quản lý phải tổng hợp những đánh giá trên để đưa ra quyết định tiếp tục ký hợp đồng với ai, ai phải ra đi.
Bên cạnh giáo viên thì còn phải đánh giá cả người quản lý, ông hiệu trưởng cũng phải thực hiện đúng cơ chế này. Nếu hiệu trưởng chọn được đúng giáo viên tốt thì trường sẽ phát triển, được đánh giá cao, hoàn thành nhiệm vụ. Nếu ông ta bỏ qua hết ý kiến đánh giá của học sinh, phụ huynh, giáo viên, thì sẽ bị những người này phản ứng. Ông ta không hoàn thành nhiệm vụ và phải ra đi. Làm không tốt thì hiệu trưởng là người mất vị trí đầu tiên chứ không phải giáo viên.
Với cơ chế đánh giá như thế thì không cần lo ngại chuyện giáo viên bấp bênh hay người tốt thì không được tồn tại.
- Bài toán lương giáo viên sẽ được thực hiện thế nào khi chuyển từ biên chế sang hợp đồng?
- Chuyển từ biên chế sang hợp đồng không chỉ có lợi cho ngân sách mà giáo viên cũng có cơ hội thu nhập tốt hơn. Hiện giáo viên nhận lương theo bậc, biên chế, thâm niên, không cần biết giỏi hay không. Có giáo viên không dạy tốt nhưng lương vẫn cao vì công tác lâu năm, có người dạy tốt nhưng lương thấp vì mới ra trường.
Xóa biên chế là tăng tính tự chủ của các trường. Học sinh được quyền chọn trường tốt, thầy tốt, sẵn sàng trả học phí cao hơn trường không tốt. Những trường làm tốt điều này đương nhiên nguồn thu cao hơn, thu nhập người thầy tốt hơn. Việc này sẽ giải quyết điều mà Bộ trưởng Giáo dục băn khoăn là tiền lương của giáo viên thấp. Với cơ chế mới, giáo viên có thể tăng thu nhập bằng chính trí tuệ của mình.
- Hiện nay công chức, viên chức được quy định trong luật cán bộ công chức và luật viên chức. Vậy theo ông cần thay đổi thể chế như thế nào để có thể xoá biên chế trong giáo dục?
- Muốn cải cách thành công thì thể chế phải đi trước một bước. Việc cải cách nền hành chính, tinh giản biên chế thời gian qua không có tiến triển cũng là do thể chế chưa mở đường. Bây giờ thấy được cái lợi thì chúng ta phải làm ngay.
Hiện ngành giáo dục có chủ trương về tự chủ, các trường đại học đã làm. Vậy không có lý do gì không thí điểm để đẩy việc này lên. Phải có thí điểm việc xóa bỏ biên chế, phải có các đơn vị đi đầu, từ đó có những thay đổi cần thiết trong thể chế thì mới tạo ra sự đột phá. Giáo dục muốn thay đổi trước hết phải nâng cao chất lượng giáo viên.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016, số biên chế tinh giản là 15.790, trong khi yêu cầu là giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 người trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức và viên chức. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay chỉ có gần 20 trường đại học tự chủ, trong khi cả nước có 400 đại học, cao đẳng. Với số lượng giáo viên đại học tới gần 70.000, giáo viên dạy nghề 75.600, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngân sách nhà nước dành cho giáo dục hiện tới 80% là chi cho con người, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Tỷ lệ này không hợp lý, cần cơ cấu lại. Bộ Tài chính thống kê, đến năm 2015, cả nước có hơn 30.200 đơn vị sự nghiệp công lập đã được tự chủ tài chính, trong đó 3,7% tự đảm bảo chi phí hoạt động, 35,8% đảm bảo một phần, và 60,5% đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (tăng gần 5.900 so với năm 2006). |