Đối với các nhà khoa học, trí thức, điều kiện cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công trình nghiên cứu và sự phát triển chuyên môn, đặc biệt đối với các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao.
"Tôi ở lại Mỹ vì sự đam mê khoa học", Giáo sư Phạm Quang Hưng, bắt đầu sự nghiệp Giáo sư Vật lý tại Đại học Virginia từ năm 1982 đến nay, cho biết. Trước đó, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý ở Đại học California tại Los Angeles (UCLA), nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm vật lý hạt cơ bản Fermilab và Đại học California, Berkeley, Mỹ.
Ông cho rằng môi trường làm việc và điều kiện khoa học kỹ thuật của Mỹ, quốc gia phát triển hàng đầu thế giới với đầy đủ công nghệ, phương tiện và nhân lực giúp ông thực hiện giấc mơ khoa học thực thụ.
Thời điểm ông bắt đầu nhiệm vụ giáo sư ở Đại học Virginia, Việt Nam có rất ít người làm trong lĩnh vực này và cũng khó có trung tâm khoa học, trường đại học hay phòng thí nghiệm nào đủ cơ sở tân tiến phục vụ cho các nghiên cứu của ông.
Giáo sư Vật lý Phạm Quang Hưng, công tác tại Đại học Virginia, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một bác sĩ 8X làm việc tại một trong những bệnh viện hàng đầu Mỹ cho biết ở Việt Nam cá biệt có đơn vị trả lương cho ông rất cao, thậm chí còn cao hơn một số bệnh viện tại Mỹ nhưng"do môi trường làm việc chưa phù hợp nên mọi việc cũng chưa triển khai được".
Đến Mỹ từ năm 2005 theo một chương trình học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), Tiến sĩ Phan Minh Liêm, 39 tuổi, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Ung thư hàng đầu thế giới MD Aderson, Mỹ, cho rằng du học sinh, nhà khoa học, trí thức Việt sau khi hoàntất chương trình đào tạo ở nước ngoài chọn không quay về quê hương vì có "cái khó" riêng.
Nhiều ngành khoa học mũi nhọn đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là các lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Nếu các nhà khoa học trong những ngành này không có điều kiện thường xuyên cập nhật kiến thức, học hỏi, trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp ở môi trường tiên tiến, họ sẽ có nguy cơ nhanh chóng bị tụt hậu và khó lòng phát triển.
Bên cạnh môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, mức lương và cơ chế đãi ngộlà lý do quan trọng thứ hai giữ chân nhiều người Việt ở lại nước ngoài. Kỹ sư phần mềm Phạm Quang Vũ, 31 tuổi, tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Nanyang, Singapore và hiện đang làm việc tại công ty công nghệ Meta, Mỹ, tiết lộ mức lương của anh không cố định, khoảng 600.000 USD/năm (tương đương 14 tỷ đồng/năm).
Kỹ sư Vũ cho hay nước Mỹ ưu tiên đãi ngộ xứng đáng cho ngành STEM. Du học sinh Việt mới ra trường nếu làm trong nhóm "Big tech", các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, cũng hưởng mức lương 150.000-200.000 USD/ năm.
Kỹ sư phần mềm Phạm Quang Vũ tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, hiện đang làm việc tại công ty công nghệ Meta, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong khi đó, theo báo cáo "Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin" thập niên 2010 - 2020 của VietnamWorks, tại Việt Nam, mức lương bình quân của kỹ sư phần mềm đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 16 triệu đồng/tháng lên 32 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến của ngành Công nghệ thông tin đạt từ 8,4 -27,4 triệu đồng/tháng, tùy từng doanh nghiệp.
Theo Adeco Việt Nam, mức lương cao nhất đối với vị trí kỹ sư phần mềm hiện nay là 150 triệu đồng tại Hà Nội và 160 triệu đồng tại TP HCM.
"Không riêng kỹ sư phần mềm, đối với bất kỳ lĩnh vực nào, chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn, khó lòng thu hút được nhân tài về nước", một tiến sĩ Việt kiều nói.
Giáo sư Trương Nguyện Thành, từng công tác nhiều năm tại Đại học Utah, Mỹ, cho rằng "khá dễ hiểu" trước các lý do du học sinh sau khi thành đạt và có cơ hội phát triển ở nước ngoài không về Việt Nam. "Ai trong trường hợp đó cũng sẽ có quyết định tương tự", ông nói.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chương trình thu hút nhân tài. Nhưng ông đánh giá việc thu hút "rất khó" và "cần xem lại mục tiêu chúng ta muốn gì". Việc họ trở về Việt Nam chỉ là một giải pháp.
"Tôi cho rằng việc họ trở về Việt Nam chưa chắc đã đóng góp được hiệu quả vì họ phải thích nghi với cơ chế của Việt Nam", ông nói. Ông cho rằng điều quan trọng là tìm giải pháp để họ có thể đóng góp vào phát triển đất nước mà không phải trở về. Ông dẫn chứng đại dịch Covid-19 đã "chỉ cho chúng ta nhiều giải pháp khả thi" để chia sẻ giá trị trong mọi lĩnh vực, bất chấp khoảng cách địa lý.
Tiến sĩ Liêm cũng ủng hộ phương án vừa làm việc ở nước ngoài vừa hợp tác nghiên cứu với các Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nhà khoa học trong nước nhằm tìm giải pháp, đào tạo thế hệ trẻ. Điều này cho phép các nhà khoa học Việt ở nước ngoài vừa cống hiến cho sự phát triển của đất nước, vừa liên tục phát triển năng lực chuyên môn.
Với mong muốn bắc nhịp cầu nối khoa học Việt - Mỹ, Giáo sư Phạm Quang Hưng đã nhận lời tham gia phát triển chương trình Vật lý tiên tiến ở Đại học Sư phạm Huế từ năm 2006 cho đến nay. Chương trình Vật lý tiên tiến ở Đại học Huế dựa trên chương trình Vật lý của Đại học Virginia, dạy các môn Vật lý và Toán bằng tiếng Anh. Ông đã mời hàng chục lượt giáo sư, tiến sĩ từ Mỹ và các nước phát triển khác về trường giảng dạy.
"Như nhiều người Việt khác làm việc ở nước ngoài, những đóng góp cho sự phát triển khoa học trong nước có thể được làm theo lối này", ông nói.
Lệ Thu