Thời xưa nhân tài, sĩ nhân thăng tiến bằng con đường thi cử là chính, nên việc kiểm soát, ngăn chặn các hình thức gian lận được tiến hành rất chặt chẽ.

Việc phòng ngừa gian lận thi cử không được sử sách nước ta thời Lý, Trần đề cập chi tiết, chỉ từ thời Lê, vấn đề này mới được đề cập thường xuyên, nhất là trong thời Lê trung hưng.

Cách phòng chống gian lận thi cử thời xưa cũng được phân thành nhiều mảng như ngày nay, từ quản lý sĩ tử, việc ra đề thi, cách tổ chức kỳ thi, đến việc chấm thi, kiểm tra kết quả và giám sát toàn bộ kỳ thi.

Kiểm soát sĩ tử

Thời xưa, triều đình phong kiến đã quản lý người dân qua lý lịch. Những người là con nhà hát xướng, thợ nhuộm, trộm cắp... đều không được đi thi. Những người đang ở trong quân đội cũng không được phép dự thi.

Danh sách thí sinh của mỗi địa phương được các quan phụ trách học tập của địa phương đó (Giáo thụ, Huấn đạo) phê duyệt rất cẩn thận. Ở kỳ thi Hội, danh sách được Đốc học ở tỉnh chuyển sang quan đầu tỉnh (Tuần vũ, Tổng đốc) cấp hộ chiếu, để sĩ nhân đến kinh đô trình lên cho bộ Lễ - bộ phụ trách việc học tập, thi cử. Các Cử nhân cũng phải nộp văn bằng lên quan tỉnh để gửi vào trong bộ. Với cách kiểm soát này, rất khó để giả mạo lý lịch hay thi hộ.

Trước khi dự thi, thí sinh phải khai báo đầy đủ lý lịch ba đời của gia đình, quê quán, chức nghiệp bản thân vào quyển thi, có chứng nhận của Lý trưởng từng làng, gửi cho học quan địa phương. Thời nhà Lê, còn có thời quy định trước kỳ thi Hương, Lý trưởng mỗi làng phải đến tận trường thi để nhận mặt thí sinh, tránh chuyện thi hộ.

Giai đoạn cuối thời Lê, thi cử bắt đầu nhộm nhạo, triều đình quy định trước khi thi chính thức, phải có một kỳ khảo hạch trước khi thi Hương, ai thông văn lý mới được vào dự thi. Tuy nhiên do chính sự mục nát, quy định là vậy, vẫn xảy ra hiện tượng đóng tiền (gọi là tiền “thông kinh”), hay đút tiền để qua kỳ sát hạch mà dân gian chế diễu là “Sinh đồ ba quan”.

Việc quản lý thí sinh chặt chẽ nên chỉ cần thí sinh khai sai lý lịch, sẽ bị nhận ra, như năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), có sĩ tử là Phạm Duy Hàn mạo nhận quán ở Bình Thuận để thi ở Gia Định, bị phát giác nên lĩnh án cấm thi; hay năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Lê Chân gian lận tuổi để đi thi, cũng bị xử lý tương tự.

Ra đề thi

Để tránh việc lộ, đề thi thường được niêm phong, bảo quản rất nghiêm ngặt. Thời Lê trung hưng, đến trước kỳ thi Hương vài ngày, triều đình mới cho ngựa trạm được binh lính hộ tống chặt chẽ đưa đề thi về các trường thi khu vực (Kinh Bắc, Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An…).

Thời Nguyễn, ở kỳ thi Hương, sau khi thí sinh đã vào trường thi đầy đủ, các quan Chánh, Phó chủ khảo, Giám khảo, Phân khảo, Phúc khảo, Sơ khảo mới họp tại nhà Thập đạo để ra đề thi. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), vua bắt đầu ban đề cho thi Hương, thì bản chính được giữ kín, đến ngày thi mới được các viên Phóng đề chép ra thành hai bản treo lên cổng vi (một khu vực của trường thi), riêng đề văn sách dài nên thường được chép ở mỗi vi ba đến bốn bản để tránh tình trạng thí sinh chen lấn, xô đẩy, lợi dụng cơ hội để hỏi bài gây lộn xộn trường thi.

Bảo vệ trường thi

Theo sách “Khoa mục chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, trường thi thời Lê Trung hưng đặt ở địa thế rộng rãi, sai quân lính các vệ, các sở làm bốn vi ở giữa, rào hai lần phên kín ngăn cách trong ngoài, một lần phên thưa, đắp tường, xẻ hào, cài chông xung quanh cốt cho kín vững.

Ở giữa và bốn mặt đều rào phên thưa, làm chòi canh và làm các nhà công vụ, các nhà này cũng phải rào hai lần phên kín, ngăn cách trong ngoài. Trong lúc thi, thí sinh phải ngồi trong lều của mình, không được sang lều hỏi bài. Ai bị phát giác mượn người khác làm bài hộ hoặc làm bài hộ người khác đều bị tội đồ.

Sĩ nhân vào trường thi chỉ được mặc hai áo đơn nhưng cấm mặc áo kép, để tránh việc giấu bài làm sẵn trong áo. Thí sinh khi vào trường thi đều bị khám người và toàn bộ đồ đạc đem theo, ai đem sách vở theo lập tức bị bắt, phạt trượng và xử án vĩnh viễn không bao giờ được thi nữa. Danh sách thí sinh cũng được xem xét để chia vị trí đặt lều làm bài, người cùng một nhà không được ở cùng một ô.

Trong suốt những ngày tổ chức thi, các quan viên, lại mục, binh lính đều không được phép ra ngoài. Việc ăn uống, các nhu cầu khác đều được binh lính phục dịch tại chỗ.

Khi tổ chức kỳ thi Hương, các quan Khoa đạo thuộc viện Đô Sát là những người chữ nghĩa tinh thông nên chỉ được phép ngồi ở chòi trông coi thí sinh chứ không được vào chỗ thí sinh.

Khoa đạo không được tự tiện ra vào, không được cùng sĩ tử gặp nhau, không được ngồi cùng với quan Ngoại trường ở nhà Thập đạo, tự tiện xem quyển văn của sĩ tử, sổ biên tên học trò của viện, Đề điệu không được dự biết nhằm ngăn chặn nạn đút lót, hối lộ, gửi gắm.

Ở Ngoại trường, quan Chánh, Phó Chủ khảo đi đâu cũng có quan Khoa đạo và đội Thể sát đi theo như hình với bóng. Các quan Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo đi theo chỉ được mang theo tên bếp lo nấu ăn, chỗ ở đều ngăn cách nhau, ai ở gian nấy.

Quan Đề điệu thường xuyên khóa kín cửa không cho đi lại, đợi thi cử xong mới mở cửa cho ra. Quan trường nếu bị phát giác có sự tư thông hay nhờ cậy thì quan trường bị xử biếm chức hay bãi chức.

42-43-2-3344-1660478377657761114767.jpg

Tranh vẽ lễ xướng danh trường thi Nam Định năm Mậu Tý 1888 cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân.

Quy định trong trường thi

Để tránh việc sửa bài cho thí sinh, thời xưa quy định chỉ thí sinh mới được mang mực đen vào trường thi, các quan lại trong trường thi đều phải dùng mực son, mực xanh. Do đó mới có chuyện Cao Bá Quát vì lòng tốt muốn sửa những chữ kỵ húy cho thí sinh tại trường thi Thừa Thiên năm 1841, phải lấy muội đèn làm mực.

Nhiều trường hợp vi phạm quy định này bị xử phạt còn được ghi trong sử sách, như vào năm Tự Đức năm thứ 27 (1874), trước trường thi văn ở Nghệ An, quan Phúc khảo là Đặng Huy tự tiện mang hộp mực vào trường, bị cách chức; hoặc năm Tự Đức thứ 30 (1876), Phúc khảo trường Nghệ Đặng Huy Hoán cũng bị phạt vì lỗi này.

Để tránh việc nhận ra nét chữ của thí sinh, lệ xưa sau khi thí sinh nộp bài (thu quyển), sẽ có những người Đằng lục (còn gọi là “ông Nghè bút thiếp”) chép lại bài của thí sinh bằng son để giám khảo chấm.

Chép xong, đọc đối chiếu với bản mực đen rồi tất cả những người sao chép cùng ký tên, ghi chức tước vào trang đầu cả bản chính lẫn bản sao trước khi giao trả quan Ðề điệu.

Bài gốc của thí sinh được rọc phách ở trang đầu ghi lý lịch thí sinh, cất đi, chỉ sau khi chấm có kết quả mới ráp phách để tìm ra những người trúng cách. Việc rọc phách dùng hai người Đề tuyển ít chữ, để không thể sửa bài hộ, vì hai ông này là những người độc nhất biết tên người viết bài thi, khi ráp phách.

Khi chấm thi, quyển (bài thi) đã được sao lục, rọc phách được đưa vào nội trường. Trong vụ án Tham tụng Lê Hy nhờ cậy Phó Chủ khảo trường thi Thanh Hóa Ngô Sách Tuân nâng đỡ cho con mình kỳ thi năm 1696, Lê Hy phải mô tả cho Ngô Sách Tuân hình dáng quyển thi của con ông. Đến triều Nguyễn, năm 1831 đã ra quy định rằng quyển thi không được có vết tích để tránh làm dấu hiệu thông đồng với khảo quan.

Giám khảo phải “Hồi tị”

42-43-3-2736-1660478394589210613849.jpg

Thời phong kiến, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù, đeo gông cho đến xử tử.

Từ thời Lê sơ, năm 1448 thời nhà Lê, Đề điệu Quốc Tử Giám là Lê Khắc Phục muốn đảm bảo sự nghiêm minh của kỳ thi nên đã bắt các khảo quan phải uống máu ăn thề thể hiện sự trong sạch, chí công vô tư. Tục uống máu, thề không gian lận bắt nguồn từ giai đoạn này.

Từ thời Lê đã có quy định, nếu khảo quan có người nhà hay con em trong gia tộc tham gia ở trường thi nào, người đó phải xin tránh để không gây ngờ vực hay có thể giúp đỡ gì được trong việc gian lận.

Việc coi thi, chấm thi phải tuân thủ luật “Hồi tị”, các quan Sơ khảo, Phúc khảo các kỳ thi Hương người ở tỉnh này phải đổi đi chấm ở tỉnh khác. Nếu có con em đi thi cùng tỉnh cũng phải “hồi tị”, không đi chấm trường đó.

Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), vua ban dụ: “Những Lại điển giúp việc sao chép giấy tờ có thân thuộc dự thi đều phải Hồi tị. Thân thuộc quy định là chú bác ruột; anh em chú bác ruột; cháu gọi bằng chú bác ruột, cậu ruột; anh em cô cậu ruột.

Ai đã được cử nếu gặp trường hợp những người thân thuộc trên dự thi thì phải khai báo lên, nếu ẩn giấu thì phải chịu tội. Còn thân thuộc hơn nữa như cha con, anh em ruột đương nhiên phải Hồi tị, miễn bàn dự”. Đến năm 1877, định thêm lệ rằng: “Quan tham dự trường thi có con rể đi thi buộc phải Hồi tị”.

Làm bài, chấm bài

Để tránh việc đánh dấu bài, thì quyển thi của thí sinh đều đóng bằng loại giấy cùng một quy cách, trang đầu ghi lý lịch thí sinh, các trang sau để trắng, được quan trường đóng dấu tên trường thi và giáp lai từ trước. Đến khi thi, mỗi ngày thi, thí sinh đều phải đem quyển lên để giám khảo đóng dấu “nhật trung” vào, đề phòng đổi quyển khác.

Minh Mạng năm thứ 12 (1831), có trường hợp Đốc học Nghệ An Hoàng Quốc Bảo đệ nộp danh sách những quyển thi nhiều chỗ có vết hoen ố dây mực (giống như bị sửa), nên đã bị bộ Lễ nghi vấn, xem xét.

Bắt đầu chấm thi, Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (màu gạch), xong đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng mực màu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, điểm rồi ký tên lên mặt quyển.

Nội trường chấm xong, đưa cho Đề tuyển chuyển ra ngoại trường. Các ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài đỗ. Phân khảo đọc lại những bài bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo, ngoại trường chấm bằng mực son tàu màu đỏ tươi.

Khi chấm xong, xếp đặt theo thứ tự điểm từ cao đến thấp rồi gửi ra cho Đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử, niêm yết.

Sau mỗi kỳ thi, Chủ khảo và cả Giám sát mỗi người phải làm một bảng phúc trình đệ về Kinh. Tất cả các quyển đỗ hay hỏng, kể cả bị lỗi lầm cũng đều phải được gửi về Kinh để Bộ Lễ hoặc nhà vua duyệt lại.

Giám sát

Các kỳ thi lại chịu sự giám sát của quan đứng đầu địa phương hoặc các quan được vua ủy quyền. Như trong vụ án Lê Hy nhờ nâng đỡ con, tuy quan Chủ khảo bao che cho Phó Chủ khảo Ngô Sách Tuân, nhưng lại bị quan Tham chính là Phan Tự Cường phát giác và tâu lên chúa Trịnh.

Khi đưa ra triều đình cho các quan họp bàn, Ngô Sách Tuân bị khép tội giảo (phải thắt cổ mà chết), Chủ khảo Ngô Hải bị bãi chức, các quan Giám khảo và Phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Hay như vụ án trường thi năm 1841 tại trường thi Thừa Thiên, khi Nguyễn Văn Siêu làm Phân khảo ở ngoại trường, đã lấy đỗ Trương Đăng Trinh, cháu Đại thần Trương Đăng Quế, người bị đánh hỏng kỳ hai ở nội trường. Việc bị tố cáo, Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, sau đổi xuống còn bãi chức.

Nhiều vụ gian lận thi cử khác được phát hiện từ dư luận. Như khoa thi đời vua Lê Dụ Tông năm 1726, dân chúng xôn xao khi trong kỳ thi Hương, có nhiều thí sinh học kém nhưng là con nhà quyền thế, nhờ người “gà” văn nên được đỗ Hương cống. Chúa An Đô vương Trịnh Cương bắt phải thi lại, kết quả là có 28 công tử nhà giàu bị trượt, và bị giao xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng.

Vụ Lê Quý Đôn ép học trò là Đinh Thì Trung đổi quyển thi cho con là Lê Quý Kiệt để Kiệt đậu thủ khoa kỳ thi Hội năm 1775 lại bị phát giác do chúa Trịnh Sâm bắt duyệt lại văn bài vì cho rằng Thì Trung nổi tiếng học giỏi, sao thành tích lại kém.

Điều tra ra thấy chữ viết của người này lại ở trong quyển thi của người kia. Kết quả là Đinh Thì Trung bị kết phải tội lưu đi Yên Quảng (nay thuộc Quảng Ninh), Quý Kiệt bị giam cấm ở ngục Cửa Đông rồi bắt phải trở về làm dân.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022