Với hơn 420 triệu người dùng và là ngôn ngữ chính thức của 22 quốc gia, tiếng Ả Rập đang được giảng dạy tại nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Tuy vậy, tại Việt Nam hiện nay ngành ngôn ngữ Ả Rập ít được chú ý hơn so với những ngành học dạy ngoại ngữ khác. Lý do xuất phát từ thực tế ngôn ngữ và văn hóa của các quốc gia Ả Rập chưa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam.

Nhưng với xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bão hòa của thị trường nhân lực ngôn ngữ Anh, Hàn, Trung, Nhật, nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm hơn đến việc học thêm các thứ tiếng hiếm, trong đó có tiếng Ả Rập để gia tăng cơ hội cạnh tranh, tìm kiếm việc làm cũng như những học bổng du học nước ngoài.

Ngành học khó nhưng vô cùng thú vị

Tại Việt Nam, ngôn ngữ Ả Rập đang được đào tạo tại 2 trường đại học: Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc Gia TP.HCM. Không chỉ được đào tạo để sử dụng thành thạo ngôn ngữ, sinh viên theo học ngành này còn được trang bị kiến thức chuyên sâu về văn hóa, kinh tế, chính trị, con người các nước Ả Rập.

Khi bắt đầu học tiếng Ả Rập, không ít sinh viên bị choáng ngợp bởi bảng chữ cái “ngoằn ngoèo” và cách phát âm khó nhằn của ngôn ngữ này. Cộng đồng học tiếng hiếm cũng khá nhỏ nên không dễ để người học tìm được người luyện tập giao tiếp cùng.

Vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, người học sẽ “đắm chìm” ngôn ngữ và văn hóa Trung Đông. Những năm gần đây, ngành học này nhận được nhiều sự quan tâm Đại sứ quán các nước Ả Rập tại Việt Nam. Sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa do Đại sứ quán tổ chức để giao lưu, gặp gỡ bạn bè đến từ các nước Ả Rập và trên toàn thế giới.

photo-2-16674797285891285437336.jpg

Phó Đại sứ Ma-rốc Ahmed Ait Aissa giao lưu với các sinh viên của Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Ảnh: Fanpage ULIS Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả rập.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành ngôn ngữ Ả Rập còn được bổ trợ một số kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, năng lực xác định và giải quyết vấn đề, luyện khả năng thích ứng trong môi trường sống và làm việc cạnh tranh đa văn hóa.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã có cơ hội thực tập tại các cơ quan ngoại giao, các công ty du lịch, xuất nhập khẩu,... Hàng năm chính phủ các nước Ả Rập cung cấp khá nhiều học bổng du học tiếng, du học đại học cho sinh viên Việt Nam đến học tập tại AI Cập, Kuwait, Qatar, UAE,...

Nhiều cơ hội nghề nghiệp

Học một thứ tiếng còn tương đối lạ lẫm vừa là thách thức, vừa là cơ hội rộng mở cho người học. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập có thể làm việc tại Việt Nam hoặc lựa chọn lao động tại nhiều quốc gia khác. Cụ thể, sau khi ra trường, người thành thạo tiếng Ả Rập có thể đảm nhiệm các vị trí sau:

- Công tác tại Bộ Ngoại giao (Vụ Trung Đông - châu Phi) và Đại sứ quán các quốc gia Ả Rập tại Việt Nam.

- Biên dịch - phiên dịch viên tại các công ty liên doanh nước ngoài, các công ty đa quốc gia; phiên dịch cho các lãnh đạo trong cuộc họp, hội nghị, đàm phán, thương lượng…

- Giảng viên nghiên cứu, đào tạo ngành Ngôn ngữ Ả Rập.

- Làm việc trong ngành du lịch - khách sạn, trở thành hướng dẫn viên du lịch cho các công ty du lịch quốc tế, cung cấp các tour du lịch dành cho du khách Trung Đông.

- Tiếp viên hàng không các hãng của Ả Rập như Emirate Airlines, Qatar Airway…

- Chuyên viên Marketing: Phụ trách marketing của thị trường Ả Rập, quản lý các kênh truyền thông, mạng xã hội các các công ty, doanh nghiệp.

- Phóng viên/biên tập viên

photo-1-1667479726012130586854.jpg

Người học tiếng Ả Rập có đa dạng cơ hội nghề nghiệp. Ảnh: ST.

Mức lương với sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm có thể dao động từ 400 đến 700 USD/tháng (khoảng 10 đến 17 triệu đồng). Ở các vị trí quản lý cấp cao hơn, người thành thạo ngôn ngữ Ả Rập hoàn toàn có thể đạt được mức lương 1.000 USD/ tháng (khoảng 24 triệu đồng). Bên cạnh đó, khi tham gia các sự kiện của Đại sứ quán các nước Ả Rập, phiên dịch viên có thể được trả 50 - 70 USD/ngày (khoảng 1 - 2 triệu đồng).

Tổng hợp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022