"Đây mới chỉ là bước khởi đầu cho chặng đường dài phía trước, em còn phải cố gắng rất nhiều", Mạnh, học sinh 12A, trường THPT Nguyễn Duy Trinh, nói. Theo kết quả kỳ thi được công bố hôm 1/11, Mạnh là một trong vài học sinh giành giải cao ở cả hai môn học.

manh-thpt-9273-1668337500-1668-5005-5999-1668413523.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yCLDPx71zOg36BDPZSaQtA

Nam sinh Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Hải Chi

Chàng trai sinh năm 2004 là con thứ hai trong gia đình có ba chị em, bố mẹ làm nghề nông. Sáu năm trước, bố của Mạnh gặp tai nạn gãy cột sống khi đi làm thợ hồ, phải điều trị nhiều tháng mới xuất viện và không còn làm được công việc nặng.

Hàng ngày, mẹ của Mạnh lo đồng áng, vừa bán thêm gánh rau ở chợ để lo cho cuộc sống của cả nhà. Năm đó, chị gái của Mạnh dù thi đỗ đại học luật đã quyết định bỏ ước mơ giảng đường để đi làm công nhân, phụ giúp gia đình.

"Em hiểu lúc đó chị đã nhường lại cơ hội học tập cho các em nên mình phải cố gắng thật nhiều để không phụ lòng cả nhà", Mạnh nói về quyết tâm học tập từ khi còn là học sinh cấp hai.

Manh-2313-1668335526.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=thc6LxxH66z-NFtyhtAo9w

Nguyễn Văn Mạnh (giữa) cùng các thầy cô giáo. Ảnh: trường THPT Nguyễn Duy Trinh

Mạnh cho biết yêu thích môn Vật lý từ cấp 2 sau những bài tập thực hành có tính ứng dụng trong đời sống. Ngay khi vào học lớp 10 ở trường THPT Nguyễn Duy Trinh, nam sinh gây ấn tượng với thầy giáo môn Vật lý bởi khả năng ghi nhớ kiến thức, giải đáp chính xác nhiều câu hỏi và bài tập trong sách giáo khoa.

Thông thường, Mạnh cố gắng nắm bắt kiến thức và tập trung làm hết bài tập theo yêu cầu ngay tại lớp. Khi trở về nhà, nam sinh dành thời gian để tìm hiểu và làm bài tập nâng cao.

"Những hôm học cả ngày ở trường thì em sẽ ngủ một giấc khoảng hai, ba tiếng sau bữa cơm tối. Sau đó, em dậy học. Có hôm em ngồi tới rạng sáng để nghiên cứu bài tập mà không thấy chán", Mạnh chia sẻ. Tuy nhiên, nam sinh cho biết quan trọng nhất là phải đảm bảo sức khỏe.

Thầy Trần Đình Hiếu, giáo viên dạy Vật lý ở trường THPT Nguyễn Duy Trinh, kể nhiều lần Mạnh tranh thủ gặp thầy vào giờ ra chơi hay sau giờ tan trường, đưa các bài tập đã sưu tầm sẵn nhờ thầy giảng giải thêm. Năm ngoái, do dịch Covid-19, Mạnh và các bạn trong đội tuyển phải ôn luyện từ xa, có lần Mạnh gọi cho thầy lúc 0h để nhờ thầy cùng giải bài tập.

"Có những bài tập Mạnh sưu tầm trên mạng hoặc trong các bộ đề thuộc dạng rất khó và nhờ tôi gợi ý, song tôi phải khất, suy nghĩ thêm mới có giải đáp cho em", thầy Hiếu nói.

Mạnh cũng là thành viên trong đội tuyển Toán của trường. Nam sinh cho rằng Toán học thiên về con số nên cảm giác khô khan, song cũng như môn Vật lý, môn học này có nhiều kiến thức có thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày. Để học cả ở hai đội tuyển, Mạnh sắp xếp thời gian khá chặt chẽ. "Buổi chiều em thường học khoảng hai tiếng ở đội tuyển Toán, sau đó chuyển sang lớp Vật lý để học tiếp đến sẩm tối", Mạnh kể.

Thầy Đinh Xuân Luyện, giáo viên đội tuyển Toán của trường THPT Nguyễn Duy Trinh, cho biết Mạnh là học sinh duy nhất ở trường dự thi học sinh giỏi hai môn. "Giáo viên cũng sợ Mạnh quá sức, song em hứa bản thân sẽ nỗ lực hết mình", thầy Luyện nhớ lại thời điểm chọn Mạnh vào đội tuyển đi thi cấp tỉnh.

Giáo viên của hai đội tuyển đánh giá Mạnh có tư duy nhanh, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi và không ngại bài tập khó. Vì thế, nam sinh thường có nhiều cách giải hay, "vượt suy nghĩ của giáo viên".

Cô Hoàng Thị Kim Liên, hiệu trưởng THPT Nguyễn Duy Trinh nói Mạnh là điển hình cho việc vượt khó, học giỏi. "Mạnh cũng tham gia nhiều hoạt động của lớp, trường và thường xuyên chia sẻ kiến thức với các bạn", cô Liên cho biết thêm.

Điểm tổng kết trung bình các môn học năm lớp 10 và 11 của Mạnh đạt trên 8,5. Nam sinh trường THPT Nguyễn Duy Trinh được dự đoán đủ điều kiện tuyển thẳng vào một số trường đại học trong năm tới. Tuy nhiên, Mạnh sẽ tiếp tục dốc sức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 để đăng ký xét tuyển vào ngành tự động hóa hoặc công nghệ thông tin.

Hải Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022