Thông tin được Đại tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, chia sẻ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 17/3.

Ông Tâm cho biết công tác sơ tuyển diễn ra tại ban chỉ huy quân sự cấp huyện, nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú. Tại đây, thí sinh được xác minh lý lịch, khám sức khỏe.

Khối 17 trường quân đội được chia thành hai nhóm. Nhóm đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật gồm Học viện Quân y, Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhóm đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm những trường còn lại. Một số điều kiện sẽ khác nhau giữa hai nhóm trường.

Về chiều cao, cân nặng, thí sinh nam khu vực 1 (miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo hoặc các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn) và người dân tộc thiểu số cao từ 1,6 m, nặng 50 kg; nữ từ 1,52 m, nặng 46 kg trở lên. Điều kiện chiều cao với thí sinh thuộc dân tộc thiểu số rất ít người giảm 2 cm với nam; cân nặng giảm 2 kg với nữ, 4 kg với nam.

Thí sinh nam các khu vực còn lại phải cao tối thiểu 1,65 m, nữ 1,54 m nếu đăng ký vào nhóm sĩ quan chỉ huy; 1,63 m với nam, 1,54 m với nữ khi chọn nhóm sĩ quan kỹ thuật. Điều kiện cân nặng áp dụng với cả hai nhóm trường là nam từ 50 kg, nữ 48 kg trở lên.

Về thị lực, nhóm chỉ huy tham mưu không tuyển thí sinh mắc các tật khúc xạ, còn lại không quá 3 đi-ốp.

Về độ tuổi, thí sinh ngoài quân đội phải trong độ tuổi 17 đến 21. Quân nhân tại ngũ, đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi.

Ông Tâm lưu ý, thí sinh chỉ làm một bộ hồ sơ sơ tuyển. Nếu qua sơ tuyển, các em được xét tuyển theo các phương thức, nhưng phải đặt các trường quân đội ở nguyện vọng 1, các nguyện vọng sau có thể đặt những ngành, trường ngoài khối quân đội. Trong quá trình đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trong nhóm trường, nhưng không được chuyển giữa hai trường khác nhóm.

"Sau khi trúng tuyển, thí sinh được kiểm tra lại sức khỏe và các điều kiện khác một lần nữa", ông Tâm nói.

a5a82ce39914354a6c05-4379-1710674841.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2eoLKeW0mK8BYI_fgjjHQw

Đại tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, tại chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 17/3. Ảnh: Thanh Hằng

Năm nay, ngoài phương thức truyền thống là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Bộ Quốc phòng, khối trường quân đội thêm hai phương thức là sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và xét học bạ.

Các trường dành khoảng 20% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Với xét học bạ, trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y, những trường còn lại sẽ dành khoảng 10% chỉ tiêu. Thí sinh cần có điểm tổng kết mỗi năm THPT từ 7 trở lên, riêng các môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu đạt 7,5.

Hiện, nhóm quân đội gồm 17 trường. Năm 2023, các trường này tuyển gần 4.400 sinh viên. Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp dao động 16,25-27,97. Học viện Khoa học quân sự có điểm chuẩn cao nhất. Thí sinh nữ xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc phải đạt tổng 27,97 điểm ở ba môn thi tốt nghiệp THPT mới trúng tuyển. Thấp nhất là trường Sĩ quan Công binh.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022