Học Văn theo phương pháp sơ đồ tư duy

Ngữ Văn là một trong những môn học "khó nhằn" đối với nhiều học sinh bởi độ dài và độ khó. Theo đó, nhiều thí sinh rất lo lắng, hoang mang không biết làm thế nào để qua được môn thi này trong kỳ thi THPT sắp tới. Nhưng thực tế, bạn không nên quá lo lắng và cũng không nhất thiết phải học theo phương pháp học thuộc lòng truyền thống mà nhiều thí sinh đã áp dụng.

bai-1-cac-phuong-thuc-bieu-dat-149260750

Thay vì cách học thuộc lòng, hãy học theo phương pháp sơ đồ tư duy (Ảnh: thầy giáo Trịnh Quỳnh - THPT Lương Thế Vinh, Nam Định)

Thay vào đó, hãy thử phương pháp sơ đồ tư duy. Trước hết bạn đọc kĩ bài để nắm được nội dung cơ bản nhất, sau đó chỉ cần đơn giản gạch ý theo cách riêng của mình và tư duy bài viết theo những ý bạn gạch sẵn ra. Trong quá trình làm bài, học sinh có thể thêm thắt những câu dẫn dắt hay dẫn chứng vào sẽ giúp bài viết có đủ cấu tứ. Và yên tâm, không cần quá cao siêu, sáng tạo, một bài văn với bố cục hoàn chỉnh, triển khai đầy đủ được những ý cơ bản là bạn "dư sức" vượt qua được môn thi này rồi!

Cập nhật thông tin đời sống xã hội

Một bài viết có chiều sâu, gây ấn tượng với ban giám khảo thì ngoài những kiến thức từ sách giáo khoa, bạn có thể lồng ghép những dẫn chứng phong phú từ thực tiễn, tăng sức thuyết phục cho bài viết. Thêm nữa, cũng không bỏ qua trường hợp đề thi sẽ trích dẫn một câu chuyện, một bài báo bàn về hiện tượng tốt hoặc xấu… đang diễn ra ngoài xã hội yêu cầu nghị luận.

Vậy nên, ngoài việc "vùi đầu" vào học hành bạn cũng không nên bỏ qua những thông tin về đời sống, xã hội qua ti vi, báo đài. Việc này không chỉ giúp bạn không rơi vào tình trạng "mù thông tin", mà còn là một cách để giải trí sau những giờ học căng thẳng và có thể viết bài hay, sâu sắc hơn.

Bài làm môn Văn nhất thiết phải có các ý rõ ràng

Trong khâu trình bày bài thi Ngữ văn các thí sinh cần chú ý hệ thống luận điểm, luận cứ, lập luận và dẫn chứng linh hoạt, cụ thể. Ở bài làm văn, mỗi đoạn văn thường có một luận điểm chính sau đó bạn sẽ triển khai theo luận điểm của mình thành nhiều luận cứ nhỏ để làm sáng tỏ các ý. Một gợi ý nhỏ cho bạn, trước khi làm bài nên dành 5-10 phút lập dàn ý để không bị sót các luận điểm cần triển khai.

cong-bo-quy-che-thi-thpt-quoc-gia-2016-1

Học sinh nên phân bố thời gian làm bài thi hợp lý, trình bày phù hợp với yêu cầu của từng dạng bài, kiểu bài

Ngoài ra, trong quá trình làm bài thi học sinh cũng cần chú ý chữ viết rõ ràng, không sai chính tả, cách dùng từ. Đặc biệt các bạn tránh dùng khẩu ngữ và lỗi phát âm địa phương. Câu cú cũng phải rõ ràng, không viết lan man, dài dòng gây khó hiểu.

Xác định yêu cầu của đề thi và phân bổ thời gian hợp lý

Học sinh nên phân bố thời gian làm bài thi hợp lý, trình bày phù hợp với yêu cầu của từng dạng bài, kiểu bài. Nếu không phân bổ thời gian hợp lý sẽ dẫn đến việc hết giờ mà bạn vẫn chưa làm xong bài hoặc làm sơ sài. Đặc biệt, trong phần làm văn nếu không làm đầy đủ cấu trúc: Mở bài – Thân bài – Kết luận bạn đã bị mất điểm đáng tiếc. Trong khi những câu hỏi khác lại làm quá dài, lan man không cần thiết.

Đây cũng chính là lý do mà trước khi làm bài, bạn nên đọc một lượt đề thi để xác định điểm số và thời gian tương ứng dành cho mỗi câu hỏi. Riêng phần làm văn nên được dành thời gian nhiều hơn so với phần đọc hiểu và nghị luận vì phần này điểm số sẽ cao hơn. Với phần đọc hiểu, thí sinh có gắng làm hết các ý trong đề, không bỏ qua ý nào để tránh mất điểm. Về phần nghị luận, cần xác định đúng đề tài nghị luận bởi nếu hiểu sai, bài làm xem như lạc đề.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022