Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã chính thức kết thúc với nhiều cung bậc cảm xúc. Ở mỗi điểm trường, nếu hỏi ai còn căng thẳng hơn thí sinh thì chắc chắn đó là cha mẹ họ. Dù trời nắng hay mưa, dù mồ hôi ướt đẫm, nhiều bậc cha mẹ vẫn cố nán lại nơi cổng trường, ngóng trông kết quả của đứa trẻ. Và cũng nơi cổng trường, nhiều câu chuyện cảm động đã được kể lại.

Kỳ thi đặc biệt của nữ sinh mồ côi ba

Trong kỳ thi đại học vừa qua, tại điểm trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), có một bà mẹ 57 tuổi vẫn đều đặn mỗi ngày đưa con gái đi thi như thế. Đó là cô Trần Thị Thanh Xuân, đang sống tại quận 3.

Cũng giống bao bà mẹ khác, cô Xuân dành hết tâm trí cho những giờ thi căng thẳng của con. Cô bảo không mệt nhọc gì khi ngồi đợi con dưới trời mưa gió hay nắng chói chang. Cô chấp hết!

"Cô không ngại gì đâu. Kể cả khi trời mưa, có mình bảo vệ, sức khỏe con mới không bị ảnh hưởng, để nó tiếp tục thi cử trọn vẹn. Có sự đồng hành của mình mới là đảm bảo an toàn cho con đó", cô thủ thỉ.

Với riêng Hải Vân, đây là kỳ thi đại học đặc biệt vì trong khi những người bạn đồng trang lứa có đủ ba mẹ cạnh bên, cô bạn chỉ có mẹ cùng đồng hành. Những năm về trước, gia đình Hải Vân vẫn còn đủ 3 người, ba mẹ và con gái. Nhưng đến năm 2021, cả nhà đều không may nhiễm Covid-19 rồi cùng vào bệnh viện dã chiến. Họ đã hứa sẽ cùng nhau điều trị khỏi bệnh, cùng nắm tay quay về nhà. Thế rồi, Covid-19 đã cướp đi ba Vân mãi mãi.

"Lúc ấy mẹ và bạn đều âm tính, sức khỏe đỡ hơn nên được người ta đưa về. Ba bạn thì phải chờ âm tính sau. Lúc ấy ba còn rất khỏe, ba mới động viên rồi nói: 'Thôi hai mẹ con về trước, khi nào ba âm tính ba về'. Nhưng mà đúng 1 tuần sau, bệnh viện điện về nói ba mất rồi", cô Xuân hồi tưởng lại.

photo-6-16881972648662033148450.jpeg

Cô Xuân và con gái Hải Vân

Đi qua những năm tháng đại dịch, mọi thứ dần trở lại với bình thường mới. Nhưng nỗi đau mất người thân thì chẳng bao giờ dễ dàng nguôi ngoai.

"Ngay buổi đầu thi Ngữ văn, có một bạn bên báo chí mới nói chuyện với ba của một bạn cũng trong lớp con gái cô luôn. Bạn báo chí nói: 'Chú có thể cho con xin tấm hình, chú động viên con chú bằng nụ hôn không?'. Bạn nói ngay trước mặt con gái cô. Lúc đó, con gái bỗng rơi nước mắt, cô mới nói: 'Thôi đi về con, không có sao, không có vấn đề gì hết'.

biết là bạn nhớ ba lắm. Những lúc thế này bạn rất nhớ ba, rất mong có ba bên cạnh. Nhà có mỗi một đứa mà con gái lại quấn ba", cô Xuân thủ thỉ.

Dẫu cho gặp nhiều gian khó, thế nhưng cô Xuân vẫn cố gắng mạnh mẽ, để làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con gái. "Năm ba mất, bạn ấy từng gặp khó khăn tâm lý vì bạn yêu ba lắm. Cô đâu có dám cho mình ngã quỵ trước mặt con đâu. Nên cô cố gắng khiến mình cứng cỏi, mạnh mẽ, làm chỗ dựa và đồng hành cùng con", cô tâm sự.

photo-5-16881972626621798202308.jpeg

Và cũng trải qua thời gian khó khăn, cô Xuân và Hải Vân lại càng trân trọng thêm những người đã ở bên giúp đỡ, đồng hành cùng mình.

"Cô nói là con thi đậu xong, có thế nào, mẹ cũng cố gắng kiếm một món quà tri ân thầy Phúc. Thầy Phúc là thầy dạy môn Vật lý của bạn ấy, thầy rất tình cảm. Thầy đồng hành, chia sẻ với bạn từ lúc trong dịch, khi bạn ấy chuyển sang học online và nhận tin bố mất. Chứng kiến bạn không thể giao lưu với ai thì thầy cứ động viên bạn mãi luôn", cô Xuân thủ thỉ.

Những ngày thi đặc biệt của mẹ con cô Xuân

"Có mẹ ở đây, mẹ con ta cùng cố gắng"

4 buổi thi liên tiếp tại trường THPT Trưng Vương, chưa buổi nào các bạn sinh viên tình nguyện không thấy bóng dáng cô Xuân. Mỗi khi có tiếng trống thông báo giờ làm bài vang lên, cô lại kiếm một chỗ ngồi trước cổng trường. Có lẽ chỉ có như vậy, cô mới đủ yên tâm dõi theo con tham gia kỳ thi quan trọng.

Ngoài nỗi lo con cái thi cử đạt kết quả ra sao, cô Xuân còn trăn trở khi nghĩ về khoản học phí của con trong suốt 4 năm đại học. Được biết, cô Xuân đã nghỉ hưu và làm công việc tự do. Mỗi tháng, hai mẹ con chi tiêu tiết kiệm với tiền lương 7 triệu đồng. Biết thu nhập mình không cao, do đó cô Xuân đã tính đến nhiều phương án để nuôi giấc mơ đến giảng đường của con gái.

"Con bé đang mơ học Đại học Y Dược TP.HCM, khoa Dược. Cô mới nói điều kiện của mẹ bây giờ, không biết làm sao mà mẹ lo cho con học Đại học đến nơi đến chốn. Con mơ ước thì con cứ cố gắng con học, nếu mẹ không đủ khả năng thì mẹ làm hồ sơ xin vay", cô Xuân kể.

photo-4-16881972601981175733702.jpeg

Ở chiều hướng ngược lại, Hải Vân cũng là một cô bé ngoan ngoãn, luôn lạc quan và cố gắng học hành chăm chỉ để mẹ an lòng lòng.

"May mà bạn ấy học giỏi lắm. Bạn ấy xét học bạ thì vào được 3 trường rồi. Mà bạn ấy vẫn thi tốt nghiệp để đậu vô trường Dược của thành phố.

Em cũng biết rõ hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Em đi học mà không xài tiền. Ở nhà, bữa sáng em ăn với mẹ. Thậm chí, các thầy thương, biết hoàn cảnh của bạn nên không có lấy tiền luôn đó", ánh mắt cô sáng lên khi nói về con.

Thương con, lo con từng chút một, thế nên trong 2 ngày thi, cô Xuân không bao giờ hỏi con gái kết quả thi hôm nay ra sao, con có làm bài tốt hay không. Cô lo mình tạo áp lực thi cử cho đứa trẻ. Người mẹ chọn cách nhìn sắc mặt, rồi tự đoán hôm nay con làm bài thế nào.

"Chỉ cần con bước ra, nhìn thấy mặt là mình đoán được tình hình của bé. Nó làm bài được hay không. Khi con ra, cô chỉ hỏi: 'Mệt không con?', 'Vậy là khỏe được một môn rồi đúng không con?'. Thấy bạn ấy cười là mình nghĩ 'À được rồi', mình nói trong lòng mình vậy thôi", cô Xuân cười chia sẻ.

photo-3-16881972574621139816682.jpeg

12 năm đến trường, Hải Vân luôn là niềm tự hào của mẹ. Dẫu ngày nắng hay mưa, dẫu cuộc đời phía trước có còn nhiều bão tố, cô Xuân vẫn muốn đứng phía sau, chứng kiến con đi qua từng cột mốc của cuộc đời.

Cô Xuân nói, trong mấy ngày thi cử, cô cũng lên báo đọc bài viết trái chiều về việc bố mẹ đứng đợi con hàng tiếng đồng hồ. Nhưng cô Xuân lại nghĩ khác hẳn.

"Mấy hôm nay, cô theo dõi trên mạng, trên báo người ta nói ba mẹ làm vậy là không để cho con trưởng thành. Họ nói 18 tuổi rồi có hai ngày thi mà phải phục vụ tận răng.

Cô không đồng tình cái quan điểm đó đâu. Tại vì đâu phải chỉ có hai ngày mà nó mới khẳng định được cái sự trưởng thành của nó. Mà theo cô, cái cuộc thi này rất quan trọng trong cuộc đời các em, nó vừa rời ghế nhà trường, nó mới có 18 tuổi, nó đâu có giấy phép lái xe đâu.

Nếu mà ba mẹ có đủ điều kiện, đưa được con đi thi thì đó là một điều rất cần thiết chứ không phải là không. Thực tế đa số các bạn đều muốn có bố mẹ theo, đồng hành cùng mình trong suốt kỳ thi. Và các bạn cũng thấy đó là điều hạnh phúc. Ba mẹ đã làm nhiều, làm cả đời rồi. Bỏ chút thời gian cho con thì có gì là không xứng đáng", cô Xuân thủ thỉ.

photo-2-1688197255458349708231.jpeg

"Có mẹ ở đây, mẹ con ta cùng cố gắng"

Có thể thấy, cảm giác "tủi thân" của Vân khi chứng kiến bạn bè có đông đủ thành viên bên cạnh có thể hiểu được. Bởi kỳ thi đại học là kỳ thi quan trọng nhất đời người. Và hơn hết, không chỉ kỳ thi này mà những cột mốc quan trọng khác của Vân sau này cũng không còn sự đồng hành của ba nữa.

Dẫu cuộc sống phía trước có thể còn nhiều khó khăn, nhưng tin chắc cô Xuân và Vân sẽ ổn. Bởi hai mẹ con vẫn luôn yêu thương nhau và giữ tâm thế lạc quan trên mọi bước đường.

Chỉ cần chứng kiến cách nữ sinh nở nụ cười tươi khi bước ra khỏi phòng thi và cách cô gái nhỏ ôm chầm lấy mẹ rồi cả hai "tung tăng" ra về, chúng ta biết Vân sẽ ổn, sẽ luôn vui vẻ và sẽ trở thành niềm tự hào lớn lao của mẹ!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022