Trẻ con rất hiếu động, nghịch ngợm. Chúng chưa thể lường trước được những hậu quả trong hành động của mình. Chính vì vậy sẽ có không ít lần con khiến bố mẹ hoặc người lớn bực bội, không vừa ý. Khi đó phụ huynh sẽ trách mắng trẻ để răn đe, dạy dỗ.

Theo các nhà khoa học, khi nhìn vào phản ứng của trẻ lúc bị mắng, chúng ta có thể phần nào dự đoán tính cách của con.

Khi bị bố mẹ mắng, con im lặng

Đối diện với sự la mắng của bố mẹ, con có thể im lặng. Có thể con cảm thấy biết lỗi thật sự nên không cãi lại và đang gặm nhấm sự ăn năn, hối lỗi của mình.

Tuy nhiên cũng có thể con im lặng không cãi lại là do chúng thấy mình yếu thế, không đủ can đảm để phản kháng tốt. Sự im lặng này không có nghĩa là trẻ đồng ý với lời chỉ trích của cha mẹ, mà chúng chỉ đầu hàng trước uy quyền mà thôi. Chúng hiểu được rằng, phản kháng chưa chắc đã tốt cho chúng, thậm chí có thể khiến bố mẹ nóng tính hơn và bản thân mình sẽ bị ăn đòn. Chúng đang khiếp sợ hoặc chỉ giả vờ làm người lớn hài lòng.

photo-1-16568062861911563660709.jpg

Những đứa trẻ như vậy có thể gặp phải những vấn đến sau trong tính cách:

- Trẻ hay mặc cảm: Khi bị bố mẹ mắng bằng những lời lẽ nặng nề mà trẻ không phản ứng lại có thể chúng luôn cảm thấy mình không thể làm bất cứ điều gì đúng đắn. Con không đủ dũng khí để phản bác lại những lời mắng mỏ, đôi khi là hơi quá của cha mẹ. Chúng giữ những lời đó ở trong lòng và lặng lẽ ra chỗ khác khóc, hoặc xả nỗi buồn. Những trường hợp như vậy thường có ý thức thấp về giá trị của bản thân.

- Con có khoảng cách với cha mẹ: Con quá sợ hãi cha mẹ nên không dám phản kháng. Điều này khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày 1 xa. Trong mắt con, cha mẹ luôn quá uy quyền, hoặc quá nghiêm khắc. Cha mẹ sẽ rất khó lòng bước vào thế giới của con.

- Trẻ gặp khó khăn trong hòa nhập với xã hội: Nhiều đứa trẻ khi bị bắt nạt, chúng luôn im lặng, không dám chống trả. Khi bị bố mẹ mắng, thậm chí bị hiểu lầm con cũng không lên tiếng giải oan cho mình. Những trường hợp như thế thường có tính cách rụt rè, nhút nhát. Sau này ra ngoài xã hội con không dám thể hiện mình, không dám lớn tiếng phản bác người khác. Những đứa trẻ quá nghe lời như thế này chưa chắc đã là 1 điều tốt.

- Trẻ chỉ giả vờ để bố mẹ hài lòng: Những đứa trẻ có suy nghĩ như thế này, chứng tỏ chúng rất nhạy cảm về mặt tâm lý. Con có thể đoán được tâm lý của người khác để nhẹ nhàng xoay chiều phản ứng của mình. Tuy nhiên ở trường hợp này nếu không giáo dục con cẩn thận, đứa trẻ sẽ chỉ vờ làm con ngoan khi ở nhà, còn ngoài tầm mắt của cha mẹ chúng ta không thể lường được con sẽ nổi loạn như thế nào. Khi lớn lên, con rất dễ trở thành người thảo mai, giỏi nịnh nọt và mưu mô.

Trẻ có thái độ lại sau khi bị bố mẹ mắng

So với việc con cái im lặng khi nhận lời chỉ trích thì việc chúng phản ứng lại, cha mẹ đỡ đau đầu hơn. Dù có đôi khi sự con cãi lại càng khiến chúng ta bực mình thêm.

Những đứa trẻ phản ứng lại, trong tính cách của chúng có thể sẽ có những đặc điểm sau:

- Dám thể hiện bản thân: Khi dũng cảm nói ra suy nghĩ của mình, trẻ có tính cách hướng ngoại và dám thể hiện bản thân. Sau này khi ra ngoài xã hội, gặp chuyện bất bình hay lúc cần thể hiện quan điểm, con sẽ năng nổ hơn những người khác. Con dám đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

- Giải tỏa cảm xúc kịp thời: Nhiều đứa trẻ cứ im lặng mãi khi bị bố mẹ mắng khiến người lớn lo lắng về tâm lý của chúng. Nhưng những đứa trẻ có thể nói ra được cảm xúc của mình thì phần nào đó cha mẹ sẽ nắm bắt được tâm tư của con. Những suy nghĩ tiêu cực dồn nén cũng được giải tỏa.

- Trẻ ương bướng, khó dạy dỗ: Nhiều đứa trẻ có cá tính mạnh, lại được nuông chiều nên dễ sinh hư. Con không chỉ cãi lại mà còn đùng nhiều lời lẽ tiêu cực để phản kháng. Khi rơi vào trường hợp này, cha mẹ nên nghiêm khắc dạy bảo con.

photo-1-165680629392011273549.jpg

Trẻ phản ứng lại, hay im lặng thì cha mẹ cũng vẫn cần giao tiếp với con nhiều hơn. Để khi con gặp 1 vấn đề gì đó, người chúng nghĩ đến đầu tiên chính là cha mẹ. Việc giao tiếp đúng cách sẽ giúp trẻ cởi mở và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân hơn.

https://afamily.vn/khi-bi-bo-me-mang-con-im-lang-hay-cai-lai-moi-phan-ung-deu-the-hien-tinh-cach-khac-nhau-cua-tre-20220702100252755.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022