Giữa tháng 7, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông công bố điểm chuẩn của hai phương thức, gồm xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường và dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy.
Với xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường xét tuyển các thí sinh đạt một trong bốn nhóm điều kiện gồm: đạt 1130/1600 SAT hoặc 25/36 ACT trở lên (nhóm 1); có một trong ba chứng chỉ IELTS 5.5, TOEFL iBT 65, TOEFL 513 trở lên (2); đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh, áp dụng với một trong bốn môn Toán, Lý, Hóa, Tin (3); là học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin của các trường THPT chuyên (4).
Ngoài ra, thí sinh phải đạt điểm điểm trung bình ba năm hoặc kỳ I lớp 12 từ 8 (với nhóm 4) và 7,5 trở lên (với nhóm 1, 2, 3); hạnh kiểm không dưới khá.
Điểm xét tuyển ở phương thức này là tổng điểm trung bình ba môn theo tổ hợp ở bậc THPT hoặc kỳ I lớp 12 và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với phương thức sử dụng kết quả thi năng lực, tư duy, thí sinh phải tham dự một trong ba kỳ thi riêng vào năm 2022; đạt tối thiểu 80 điểm (áp dụng với đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội), 700 điểm (Đại học Quốc gia TP HCM) hoặc 20 điểm (áp dụng với kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội).
Trừ điểm thi tư duy của Bách khoa, điểm đánh giá năng lực được quy đổi về thang 30 theo công thức: Điểm xét tuyển = điểm thi * 30/150 (hoặc 30/1200) + điểm ưu tiên. Thí sinh dùng công thức chia 150 nếu thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, chia 1200 nếu tham gia kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM.
Điểm chuẩn tại cơ sở phía Bắc:
Điểm chuẩn tại cơ sở phía Nam:
Cơ sở phía Bắc của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy điểm chuẩn cao hơn phía Nam ở cả hai phương thức.
Công nghệ thông tin, An toàn thông tin (phía Bắc), Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa (phía Nam) lấy điểm chuẩn trên 27, áp dụng với thí sinh xét tuyển kết hợp. Với cách tính điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn học bạ, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh cần đạt tối thiểu hơn 9 điểm mỗi môn.
Ở phương thức này, mức điểm chuẩn thấp nhất là 22, rải rác tại một số ngành Công nghệ đa phương tiện, Kỹ thuật Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin (phía Nam), Công nghệ Kỹ thuật Điện, điện tử (phía Bắc).
Trong khi đó, điểm chuẩn theo kết quả thi năng lực, tư duy thấp hơn. Không ngành nào tại cơ sở phía Nam lấy quá ngưỡng 19, còn phía Bắc cao nhất 21,5 tại ngành Công nghệ thông tin, thấp hơn 3-6 điểm so với phương thức xét tuyển kết hợp.
Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh 2022 và tham quan gian hàng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: PTIT
Khác với năm ngoái, dù đã đạt mức điểm chuẩn, để chính thức trúng tuyển, thí sinh phải được công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng này lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 22/7 đến 20/8.
Đây là lưu ý mà mọi đại học đều nhấn mạnh với thí sinh, bởi thiếu một trong hai điều kiện này đồng nghĩa việc thí sinh từ bỏ quyền trúng tuyển. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Ngoài hai phương thức trên, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (lấy khoảng 65-70% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không giới hạn chỉ tiêu).
Về điểm chuẩn 2021, cả 11 ngành đào tạo tại cơ sở Hà Nội lấy điểm tương đối cao và đồng đều ở mức 25-26. Tại cơ sở phía Nam, Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử là ngành thấp nhất - 19,3 điểm, kế đó là Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa 19,4. Ngành cao nhất tại cơ sở này là Marketing - 25,65.
Thanh Hằng