"Photon là sóng điện từ,
Không điện, không khối sống lâu vô cùng
Vận tốc xưng bá xưng hùng,
300 triệu đấy ai thời hơn không ?
Hạt nhẹ thì gọi Lepton,
200 không đủ 4 ông 1 bàn.
Nơtrinô chẳng dám bàn,
Điện thì không biết, khối thì cũng không.
Âm 1 electron,
Khối 0,91 mũ trừ 30.
Mêzôn thấy vậy liền cười,
Tớ đây mới chính là người Muyzôn.
Tất cả thua Pôzitôn,
Nghe đồn tên ấy họ DƯƠNG rành rành.
Điện tích dương 1 chí thành,
Tay không số khối cũng dành em yêu."
Những thế hệ học trò 9X tại Hà Nội chắc hẳn vẫn nhớ mãi về bài thơ Vật Lý này. Bài thơ đặc biệt được gieo vần bởi người thầy có danh xưng "Thiên hạ đệ nhất Vật Lý" Dương Văn Cẩn. Nhờ thơ ca của thầy, những bài học Vật Lý khô khan bỗng biến hóa thành câu từ dễ thuộc, dễ đi vào lòng người khiến học sinh ai cũng phải thích thú.
24 năm đứng trên bục giảng, thầy Dương Văn Cẩn đã và đang ngày ngày cần mẫn với viên phấn trắng và tấm bảng đen, dạy dỗ nên những lứa học trò giỏi giang, đỗ đạt thành tài.
Thạc sĩ Dương Văn Cẩn - Huyền thoại dạy Lý ở thủ đô Hà Nội
Thầy giáo "Thiên hạ đệ nhất Vật Lý" Dương Văn Cẩn
"Tên tôi viết tắt là DVC nên học trò thường đọc thành Dịch Vụ Cười"
Thạc sĩ Dương Văn Cẩn (SN 1977), hiện đang là giáo viên dạy bộ môn Vật Lý ở trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Bên cạnh công tác giảng dạy ở trường, thầy còn gây dựng được danh tiếng và uy tín trên lịch vực luyện thi đại học môn Vật Lý. Mỗi năm, thầy Cẩn dẫn dắt hàng chục nghìn học sinh Thủ đô và cả học sinh các địa phương lân cận tìm đến. Rất nhiều người trong số đã đạt điểm cao và đỗ vào các trường đại học uy tín như: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Đại học Ngân hàng, Đại học Y, Đại học Dược…
Do đó, thầy được mệnh danh là một trong những cây đại thụ trong làng luyện thi Vật Lý tại Việt Nam. Bên cạnh những biệt danh "Thiên hạ đệ nhất Vật Lý", "Huyền thoại dạy Lý", "Thánh thơ Vật Lý" được bao thế hệ học sinh truyền miệng qua nhiều năm, thầy Cẩn còn nổi tiếng với 3 chữ "DVC" - là những ký tự viết tắt tên của thấy, nhưng lại mang một thông điệp đầy ý nghĩa đó là "Dịch Vụ Cười".
Trên môi thầy Cẩn lúc nào cũng là nụ cười, giống tên biệt danh vui "DVC" - "Dịch Vụ Cười" mà thầy được học trò đặt cho
Thầy Cẩn say sưa giảng bài trên bục giảng
Sở dĩ học sinh gọi thầy như vậy vì những lớp học của thầy Cẩn chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười. Đang dạy phần Sóng dừng, có cậu học trò chợt quên công thức áp dụng, chỉ cần thầy đọc vu vơ câu thần chú "Ai ngồi trên đê nhìn sóng", cậu bạn vội gãi đầu nhớ ra ngay.
Vật Lý vốn là môn học khô khan, nhìn đâu cũng toàn công thức khó nhằn với nhiều người nhưng qua lời giảng của thầy Cẩn, mọi thứ trở nên "dễ thở" hơn hẳn. Mỗi bài giảng thường được thầy Cẩn đưa ra ví dụ cụ thể, sinh động từ đời sống hay bằng chính những câu chuyện vui để hút hồn học sinh vào môn học. Tiết học vì thế cũng không còn trở nên đáng sợ nữa mà học trò có những giây phút thoải mái, vui vẻ nhất để sẵn sàng tiếp nhận kiến thức mới.
Khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ của các bạn học sinh trong tiết học của thầy Cẩn
Theo thầy Cẩn, học Vật Lý là để đưa vào cuộc sống chứ không phải là đưa vào đầu, viết vào bài thi, thi xong là quên ngay. Theo thầy, sở dĩ học trò ngày nay thường chán học những môn khô khan là bởi giáo viên chưa biết cách làm thế nào để khơi gợi cảm xúc tới học sinh trong khi đó là điều then chốt quyết định giờ dạy có thành công hay không.
"Môn nào cũng có cái khó, nhưng Vật Lý đúng là cái môn 'vừa khó, vừa khô, vừa khổ'. Đó cũng là cái môn ám ảnh của rất nhiều học sinh Việt Nam, đặc biệt là khi tư duy của người châu Á khi học Vật Lý không thuận lợi bằng bạn bè ở các nước phương Tây.
Tôi vẫn hay nói vui với học trò mình rằng Vật Lý như cà phê đen, nó cũng đắng không uống được, nhưng uống nhiều sẽ quen, uống quen lại nhớ, không có thành nghiện. Do vậy, việc đưa những câu chuyện cười, những ví dụ đời sống thực tế vào bài giảng không chỉ để hút hồn học sinh vào môn học, mà còn là giúp học sinh có được những phút giây thoải mái vui vẻ đúng lứa tuổi học trò", thầy Cẩn bộc bạch.
Ở thầy, đằng sau cái dáng cao to, điển trai cùng một nụ cười rất duyên là một con người giản dị, chân tình và thân thiện đến kì lạ. Học sinh hay bất kể ai đều không thấy có khoảng cách khi tiếp xúc với thầy. Thầy cũng đầy nhiệt huyết với nghề, với công việc.
Trong cuộc sống ai cũng có lúc buồn, lúc vui, nhưng đối với thầy Dương Văn Cẩn thì cứ khi bước chân vào lớp học là mọi buồn phiền, mệt mỏi, đau nhức đều tan biến. Cứ vào lớp là giọng thầy lại vang lên hết mình trong những ánh mắt bừng sáng của các bạn học sinh. Một vài trường dân lập mời thầy làm hiệu trưởng nhưng thầy từ chối vì thầy sợ "phải xa viên phấn". Thậm chí, thầy cũng chưa sắp xếp được thời gian để nghiên cứu ở bậc Tiến sĩ. Thầy tâm sự:
"Nhà giáo là nhà, nó giống như ngôi nhà, kiến thức là móng, là kết cấu, là bê tông cốt thép. Nó ẩn bên trong nhưng không có nó thì ngôi nhà không thể vững được. Phương pháp là kiến trúc, là nội ngoại thất, nó đập ngay vào mắt người nhìn, nó quyết định đẹp hay không, ở có thuận lợi hay không. Do đó, đây là hai cái trụ cơ bản không thể thiếu được trong nghề giáo".
"Ba tam giác vàng" DVC và 9 quy tắc để thành công
Công tác trong ngành giáo dục 24 năm, vinh quang là thế nhưng cuộc sống cũng thử thách thầy qua nhiều đắng cay và nghiệt ngã. Cách đây hơn chục năm, có một số người đột nhiên đặt điều nói những điều không đúng sự thật về thầy, thậm chí còn gọi điện đe dọa và yêu cầu thầy nghỉ dạy tại các trung tâm, tung tin xấu, bịa đặt gây bất lợi cho công việc cũng như danh dự bản thân thầy khiến thầy tự ái, không muốn đi dạy nữa. Giờ đây nhìn lại quãng thời gian đó, thầy tâm sự:
"Tôi rất cảm ơn những người đã từng nói tôi như vậy, họ đặt điều tôi rất nhiều thứ, trong đó có cả chuyện tôi không có bằng tốt nghiệp đại học, nếu không có bằng tốt nghiệp thì làm sao tôi có thể dạy được ở trường THPT Việt Đức - ngôi trường quốc lập tồn tại 70 năm kinh nghiệm.
Với lòng tự trọng cao, tôi thấy mình bị xúc phạm nên quyết định nghỉ dạy luyện thi tại các trung tâm để tránh cạnh tranh phức tạp, tôi chỉ còn đi dạy ở trường. Bởi lúc đó xã hội cạnh tranh quá, với tôi cứ cái nào cạnh tranh thì tôi nhường. Nhưng chính những học sinh đang trực tiếp học năm đó và những khóa học sinh trước đó từ nhiều trường viết thư tay gửi cho tôi rất nhiều, gửi tòa soạn các báo… yêu cầu đăng đúng sự thật về tôi. Vậy là sau khoảng thời gian xác minh sự thật, các giám đốc các trung tâm và rất nhiều học sinh lại đến nhà, thuyết phục tôi tiếp tục giảng dạy".
Thầy Dương Văn Cẩn hướng dẫn học sinh cách vận dụng công thức vào bài tập trong buổi học
Trước vô vàn nghiệt ngã, tinh thần thầy Cẩn không hề nao núng. Thầy cho rằng mình cứ làm tốt công việc, sống nghiêm khắc với bản thân và chân thành với mọi người thì chẳng ai làm gì hại mình được.
Bí quyết thành công của thầy được gói gọn trong "Ba tam giác vàng DVC". Gọi là "Ba tam giác vàng DVC" bởi ba tam giác này tạo ra chữ DVC, nó cũng là nhân sinh quan về nguyên tắc sống, đức tính tối thiểu cần rèn luyện và phương pháp làm việc của thầy và các học trò của thầy
"Mỗi tam giác có 3 cạnh, cả 3 tam giác là 9 cạnh nên tôi đã xây dựng 9 quy tắc để thành công trong cuộc đời này. Tôi có thể tóm tắt 3 nguyên tắc đầu tiên bao gồm:
- Phải nghiêm khắc với bản thân
- Phải luôn chân thành với mọi người
- Mọi sự cố gắng đều không thừa", thầy Cẩn diễn giải.
Đối với tam giác thứ 3, thầy giải thích rằng: "Khi chúng ta làm bất kể việc gì cần chú ý đến tính khoa học của công việc đó, sau đó thì phải dấn thân vào một cách hết mình, và cho dù là thành công hay bế tắc cũng cần cầu nguyện. Cầu nguyện là một phương thức tĩnh tâm để đánh giá lại thành công hay thất bại từ đó điều chỉnh và diệt trừ lòng kiêu ngạo – cái mầm của mọi sự đổ vỡ!".
Khi được chúng tôi hỏi về có thế hệ học sinh nào khiến thầy nhớ mãi không thể nào quên. Thầy kể rằng từng có một cậu học trò, đang là sinh viên năm 2 thì bố phải vào tù và bi kịch hơn là chẳng bao lâu sau, ông cũng qua đời luôn tại đó. Nam sinh đó rơi vào vòng xoáy suy sụp ngay trong tích tắc và muốn đạp đổ tất cả sau những bất công mà ông trời bắt mình gánh chịu. Khi đó, thầy Cẩn có cơ hội được nói chuyện với cậu học trò này.
Thầy chia sẻ: "Là người thầy rất quan trọng, nếu mình không tâm tình hay giúp đỡ học sinh khủng hoảng về mặt đời sống cá nhân thì thực ra nhiều khi mình chưa phải là một người thầy trọn vẹn. Từ đó tôi luôn xây dựng hình ảnh một người thầy không chỉ dạy các em về kiến thức, tư duy và kỳ thi mà còn gần gũi với học sinh về đời sống thật để mình có thể luôn đồng hành, sát cánh và dẫn dắt học sinh để cùng tốt lên, đem lại lợi ích cho đời" .
Chính bằng tâm thế ấy, thầy Cẩn đã thành công giúp cậu học trò lạc lối thi đỗ vào Đại học Bách Khoa, tốt nghiệp ra trường. Giờ đây cậu bạn đó hiện đang công tác tại Nhật Bản và còn rất hạnh phúc với gia đình nhỏ của riêng mình.
"Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui"
Cuộc đời đi dạy mấy chục năm, số kỷ niệm mà thầy có được cũng dày chồng chất như những trang sách Vật Lý ngoài kia. Thầy tin rằng vì bản thân là một người đặc biệt, nên các kỷ niệm khi xâu chuỗi vào với nhau cũng đặc biệt.
Học sinh nói gì về thầy Cẩn?
Ngoài những kiến thức về bài học, nhiều bạn học sinh còn cho biết thầy cũng là người rất quan tâm và chia sẻ cùng các em học sinh.
"Thầy đã giúp mình hiểu hơn về những thứ thầm kín trong cuộc sống theo cách thật thú vị và hài hước. Thầy giúp mình bản lĩnh hơn trước kiến thức Vật Lý và cả... các bạn nữ nữa. Thầy Cẩn là bậc thầy trong lĩnh vực gieo mầm tư duy", Nguyễn Bạch Quang Anh - học sinh lớp 12 trường THPT Phạm Hồng Thái thể hiện sự hâm mộ đối với thầy Cẩn.
Nguyễn Bạch Quang Anh - học sinh lớp 12 trường THPT Phạm Hồng Thái tiết lộ mỗi ngày được học thầy Cẩn là một ngày vui
Những học sinh yêu mến thầy không kể xiết, thậm chí, các học trò còn thống nhất cao độ khi cùng nhau đi in cúp để ghi nhận sự xuất sắc của thầy trong lòng các thế hệ học trò. Ngoài ra có một món quà mà ở trung tâm thầy còn đặc biệt treo lên, đó là bức tranh in chiếc "Ba tam giác vàng DVC" nổi tiếng. Nó đặc biệt ở chỗ cấu thành nên tam giác này là hàng trăm dấu tay của các học sinh đã từng theo học.
Bức tranh đặc biệt này là món quà thầy Cẩn vô cùng nâng niu và trân trọng
Với thầy Cẩn, hạnh phúc chính là được làm nghề gắn với bảng đen phấn trắng. Hạnh phúc chính là nghĩa tình thầy trò được thầy ghi lại bằng những vần thơ:
"Cả cuộc đời tôi úp mặt vào bảng đen,
Để đem lại cho đời bao khuôn mặt tươi sáng.
Cả cuộc đời tôi cầm viên phấn bạc,
Viết cho đời những dòng chữ ân tình!".