Nhật Bản là một trong những đất nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Đây là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và thường xuyên phải đối mặt với vô vàn thiên tai, có lẽ vì thế người Nhật luôn quan niệm con người là nguồn lao động của đất nước, muốn đất nước phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc đào tạo một lực lượng lao động chất lượng. Để đạt được thành công về khía cạnh con người, Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục.

Đằng sau sự phát triển vượt bậc về mặt giáo dục này, không thể không kể đến sự cống hiến hết mình, tận tâm tận tụy của các thầy cô giáo tại đất nước "mặt trời mọc". Theo đó, phần đông các thầy cô ở đây đã phải làm cật lực từ sáng đến tối, thậm chí còn phải gánh vác từ việc giám sát học trò tới dọn vệ sinh sau giờ học. Dưới những áp lực đè nén, nhiều thầy cô giáo đã rơi vào những bi kịch hết sức đau đớn như: mắc bệnh trầm cảm hoặc thậm chí tìm đến... cái chết.

photo-2-16724576818772030811572.jpg

Dưới những áp lực đè nén, nhiều giáo viên Nhật Bản đã rơi vào những bi kịch hết sức đau đớn

Hơn 10.000 giáo viên Nhật Bản bị mắc bệnh trầm cảm

Theo kết quả thống kê vừa được công bố vào ngày 26/12 vừa qua của Bộ Giáo dục Nhật Bản, chỉ tính riêng trong năm học 2021, có tới 10.944 giáo viên trường công đã xin nghỉ phép dài hạn từ một tháng trở lên do mắc các bệnh lý về tâm thần, bao gồm cả trầm cảm. Con số này đã tăng lên 15,2% (tương đương 1.448 người) so với năm học trước đó và chiếm tỷ lệ cao kỷ lục là 1,19% trong tổng số giáo viên ở Nhật Bản. Chứng kiến con số "khổng lồ" này, nhiều nhà chức trách tin rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do làm việc kéo dài - vốn là một vấn đề trầm kha ở các trường học Nhật Bản khi khối lượng công việc ngày càng tăng đối với các giáo viên trẻ.

Trong số 10.944 giáo viên nghỉ dài hạn trong năm học 2021, có 5.897 giáo viên đã nghỉ hơn 90 ngày (mức giới hạn chung của số ngày nghỉ ốm mà một giáo viên được phép nghỉ), tiếp tục lập thêm một kỷ lục mới. Con số này chiếm 0,64% tổng số giáo viên, đây cũng là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận. Kể từ năm học 2007, số giáo viên mắc bệnh tâm thần phải nghỉ việc dao động quanh mức 5.000 người.

Theo một nghiên cứu khác của Bộ Giáo dục Nhật Bản được thực hiện vào năm 2016, khoảng 30% giáo viên tại các trường tiểu học công lập và khoảng 60% tại các trường trung học cơ sở công lập làm việc trung bình 123 giờ mỗi tháng, vượt quá mức quy định của chính phủ là 80 giờ.

Khảo sát cũng chỉ ra tỷ lệ giáo viên nghỉ ốm, nghỉ do bệnh tâm thần theo từng nhóm tuổi lần lượt: 1,87% ở độ tuổi 20, 1,36% ở độ tuổi 30, 1,27% ở độ tuổi 40 và 0,92% đối với những người từ 50 tuổi trở lên. Xu hướng nghỉ phép của giáo viên trẻ nhiều hơn và tất cả các nhóm tuổi đều có sự gia tăng so với năm học trước. Nhóm giáo viên ở độ tuổi 20 có mức tăng cao nhất với 0,43%. Có thể nói, một cuộc cải cách về thời gian làm việc của giáo viên là việc cấp bách lúc này của nền giáo dục Nhật Bản.

photo-1-16724576804922049254503.jpg

Một cuộc cải cách về thời gian làm việc của giáo viên là việc cấp bách lúc này của nền giáo dục Nhật Bản

Cuộc khảo sát cũng kiểm tra xem liệu 5.897 giáo viên nghỉ phép vì bệnh tâm thần trong năm học 2021 có trở lại làm việc trước tháng 4 năm 2022 hay không. Kết quả là trong khi 2.473 giáo viên (tương đương 41,9%) đã trở lại làm việc, thì 2.283 giáo viên (tương đương 38,7%) tiếp tục nghỉ phép và 1.141 người còn lại (tương đương 19,3%) trực tiếp nghỉ việc.

Đại diện nhân sự của hội đồng giáo dục tại một thành phố lớn tin rằng vấn đề nằm ở tình trạng thiếu giáo viên, khó bù đắp khi nhân viên nghỉ việc vào giữa năm học do sinh con hoặc nuôi dạy con cái. Điều này dẫn đến việc tăng thêm nhiệm vụ cho giáo viên khác và khiến họ không thể chu toàn về vấn đề sức khỏe. Người đại diện cho biết sau khi trở lại lực lượng lao động, "họ cần phải quay lại ngay với công việc của mình, song nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc giao tiếp với trẻ em và phụ huynh".

Ngoài ra, trong một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12 bởi tổ chức phi lợi nhuận Kyouiku no Mori có trụ sở tại Hiroshima, giáo sư danh dự Masahito Ogawa của Đại học Tokyo và những người khác đã kiểm tra phản ứng của khoảng 80 hội đồng giáo dục đối với giáo viên mắc bệnh tâm thần. Kết quả là tình trạng quá tải công việc, thiếu sự hỗ trợ của những người ở vị trí quản lý là nguyên nhân dẫn đến việc trầm cảm.

Theo Mainichi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022