Bảng xếp hạng đại học thế giới 2025 theo nhóm ngành được THE công bố hôm 25/1 có 9 đại diện của Việt Nam. Trong đó, Đại học Y Hà Nội (HMU) nằm trong nhóm 501-600 về khoa học sức khỏe. Hồi tháng 9 năm ngoái, THE xếp HMU ở vị trí 801-1.000 thế giới trong bảng xếp hạng chung.

THE là một trong ba tổ chức xếp hạng có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay. Đại học Y Hà Nội lần đầu góp mặt, song vượt qua nhiều trường ở Việt Nam - vốn đã tham gia nhiều năm nay.

"Đây là minh chứng cho chiến lược đổi mới toàn diện mà trường đã áp dụng trong những năm qua, phản ánh nỗ lực vượt bậc trong nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế", trường đánh giá.

9808d234-7efa-49dc-994f-ca43c0-9740-4363-1738343639.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SmSxM_c2ieOyStAJV0Nn4A

GS Nguyễn Hữu Tú tại tọa đàm hợp tác đào tạo Y khoa với Phần Lan, hôm 13/1. Ảnh: HMU

Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng, trước đây Đại học Y Hà Nội chưa chú trọng tham gia các bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, năm 2023, ShanghaiRanking, tổ chức xếp hạng có ảnh hưởng lớn (bên cạnh QS và THE), xếp ngành Y tế công cộng của trường trong nhóm 76-100 thế giới, ngành Y học lâm sàng hạng 101-150, Khoa học sinh học con người hạng 201-300. Ngoài ra, US News and World Report xếp trường ở vị trí 365 thế giới trong ngành Y học lâm sàng.

"Các thứ hạng trên được công nhận một cách tự nhiên vì trường chưa đăng ký và không cung cấp dữ liệu xếp hạng. Họ xem xét nhiều chỉ số học thuật từ dữ liệu của bên thứ ba", ông Tú cho hay. "Đây là động lực để trường quyết định tham gia các bảng xếp hạng, trước mắt là THE".

Bảng xếp hạng THE gồm 5 nhóm tiêu chí đánh giá, trọng số lớn nhất là Môi trường nghiên cứu (Research Environment) và Chất lượng nghiên cứu (Research Quality) - tổng 59%. Còn lại là Giảng dạy (Teaching), Chuyển giao công nghệ (Industry), Mức độ quốc tế hóa (International Outlook).

Thành tích nghiên cứu là lý do khiến Đại học Y Hà Nội đạt kết quả tốt ngay lần đầu tham gia, theo ông Tú. Từ năm 2021 đến tháng 9/2024, hàng năm trường có trung bình 400 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, tăng mạnh so với giai đoạn trước.

Tổng cộng trường có hơn 52.000 trích dẫn từ các bài báo, nhưng riêng từ 2019 trở đi đã chiếm gần 43.000. Một phần nguyên nhân khách quan là trong thời gian đại dịch Covid-19, giảng viên của trường dành nhiều thời gian hơn cho xuất bản khoa học.

Trong những năm gần đây, trường đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Đại học Y Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác với các đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, để sinh viên và giảng viên tiếp cận với các chương trình trao đổi học thuật và nghiên cứu tiên tiến.

Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn giúp phát triển năng lực nghiên cứu trong các lĩnh vực như y học, công nghệ sinh học và các chuyên ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe.

444952295-863294812509479-8260-6070-4436-1728981165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N6vSP_ohZs3zisTQ9OxvtQ

Giảng viên Đại học Y Hà Nội chấm thi tốt nghiệp, tháng 5/2024. Ảnh: HMU

Hiệu trưởng Y Hà Nội nhìn nhận kết quả xếp hạng là động lực quan trọng để trường cố gắng, đảm bảo cho thành quả bền vững và chuẩn bị cho những vị trí tốt hơn. Trường đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 lọt vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á.

"Tham gia xếp hạng không phải mục tiêu chính và duy nhất của trường", ông Tú nhấn mạnh. "Nhưng trường muốn thông qua các bảng xếp hạng hàng đầu, nhận được đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó xác định được những điểm mạnh và chưa mạnh để thúc đẩy, có mục tiêu, chiến lược, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của các hoạt động".

Đại học Y Hà Nội có lịch sử hơn 120 năm, là trường hàng đầu đào tạo khối ngành sức khỏe của cả nước. Trường tuyển sinh khoảng 1.700 sinh viên mỗi năm.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022