Ông Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nêu quan điểm tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Theo ông, việc tôn vinh nghề dạy học để thấy trách nhiệm của các thầy cô lớn lao và ý nghĩa ra sao.
"Tôn vinh là để chúng ta có thêm sức lực, niềm tin, tính bền bỉ, kiên định với công việc, vượt qua gian truân, thách thức trong cuộc sống để gắn bó và yêu nghề", ông Sơn nói. "Xã hội cũng kỳ vọng chúng ta xứng đáng với điều đó".
Ông Sơn chia sẻ với những khó khăn thầy cô phải trải qua, nhưng cho rằng nghề giáo cũng đem lại những trải nghiệm mà ít nghề có được. Chẳng hạn, khoảnh khắc tự hào khi ai đó trong số học trò thành công. Những cảm xúc này vốn chỉ có ở những người làm cha, làm mẹ với con mình. Với giáo viên, nó góp phần hun đúc sự nhiệt huyết, yêu nghề.
Ông cũng nhìn nhận việc tri ân thầy cô phải bằng hành động thực tế, trong công việc mỗi ngày, từ việc nhỏ đến lớn, giúp công việc hiệu quả và tạo ra nhiều điều mới hơn.
Ông mong sinh viên tri ân, tôn vinh giáo viên bằng cách thấu hiểu hoạt động thường ngày của người thầy.
Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại lễ mít tinh 20/11. Ảnh: Dương Tâm
Nguyễn Tống Hiểu Thương, sinh viên khoa Sinh học, xúc động khi nghe những chia sẻ của thầy hiệu trưởng.
"Thầy cô là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, dạy chúng em như thế nào gọi là yêu nghề, giá trị thực sự của nghề", Thương nói.
Đại học Sư phạm Hà Nội là cơ sở đào tạo giáo viên hàng đầu cả nước. Mỗi năm trường tuyển khoảng 4.000 sinh viên hệ đại học. Điểm chuẩn cao nhất năm nay lên tới 29,3 điểm cho tổ hợp ba môn.
Nhân kỷ niệm 20/11, trường tổ chức vinh danh các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và giải thưởng giảng viên, cán bộ hành chính tiêu biểu.
Dương Tâm
Dương Tâm