Trưa 20/11, sau khi lắng nghe 37 ý kiến và hai tranh luận, góp ý xây dựng dự thảo luật Nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Theo Bộ trưởng, 20/11 là ngày Tết của các thầy cô giáo, và năm nay niềm hạnh phúc đó được nhân lên khi Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo. "Chưa nói nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ, Quốc hội đồng ý xây dựng luật đã là một sự ghi nhận, động viên to lớn với chúng tôi", ông nói.

Tư lệnh ngành Giáo dục cho biết trước khi Quốc hội thảo luận, một vài thầy cô đã nhắn tin cho ông bày tỏ băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chuyển sang ngày khác. Họ nói rằng 20/11 cả triệu giáo viên ngồi theo dõi, "nhỡ có ai nói gì động chạm thì chắc không chịu nổi".

"Nhưng tôi bảo không sao, đây là sự quan tâm rất lớn của Quốc hội dành cho nhà giáo. Lời chúc mừng mà Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói đầu phiên thảo luận rất cảm động, nhiều người thấy hạnh phúc, nhưng có lẽ hôm nay tôi là người hạnh phúc nhất", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

202411201137445300-z6050966923-6014-3097-1732087169.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kW72EFcAQK4eSGSQTct4Rw

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Chamaléa Thị Thủy và Đỗ Huy Khánh về việc "yêu cầu nhóm yếu học thêm" và có chính sách đáp ứng nhu cầu được học thêm của học sinh, phụ huynh, ông Sơn cho biết "Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh".

Trước đó, đại diện Bộ từng khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.

Hiện giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng quy định mới, loại bỏ các thủ tục hình thức. Chẳng hạn, thay vì xin phép hiệu trưởng, thầy cô có thể dạy nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Bộ cũng đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

Hôm 18/11, Đại học Quốc gia TP HCM công bố báo cáo nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông, thực nghiệm tại Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang. Hơn 63% trong 12.500 giáo viên tham gia muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập chính đáng. Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, thu nhập chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu gia đình.

Khoảng 25,4% thầy cô cho biết đang dạy thêm trong trường và 8,2% dạy ngoài trường. Các môn dạy thêm chủ yếu là Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Giáo viên tiểu học dạy thêm trung bình 8,6 giờ một tuần, cấp THCS và THPT lần lượt là 13,75 và 14,91 giờ.

Họ cho rằng việc hợp pháp hóa dạy thêm ở nhà giúp giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội, "còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp".

Phỏng vấn trực tiếp hơn 130 giáo viên và cán bộ quản lý, nhóm nghiên cứu cho biết nhiều người nhìn nhận học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng. Ngoài xuất phát từ mong muốn cải thiện thành tích học tập của con em, các phụ huynh không thể đón con kịp lúc tan trường nên muốn cho con học thêm để phù hợp với giờ làm việc của mình.

Không muốn ngành giáo dục có đặc quyền đặc lợi

Tại Quốc hội sáng nay, nói thêm về dự án luật Nhà giáo, Bộ trưởng Sơn nói ban soạn thảo hướng đến một số chính sách đặc thù và khác so với hiện hành, như tuổi nghỉ hưu, bậc lương; cơ chế tự chủ trong tuyển dụng, điều động giáo viên. Bộ đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sau khi nghiên cứu các văn bản luật và chỉ đạo của Tổng Bí thư.

"Chúng tôi không muốn ngành mình có đặc quyền, đặc lợi hay sự ưu ái bất thường. Nhà giáo là người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha. Nhà giáo không chấp nhận họ sống sung sướng mà để người khác nghèo hơn mình", ông nói.

Ông cho hay đề xuất về lương hướng đến số đông trong 1,6 triệu nhà giáo còn chưa đủ sống. Đội ngũ này, theo ông là "không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học". Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước không thể "dàn hàng ngang ưu tiên cho tất cả". Do đó, đây là sự ưu tiên cần dành cho quốc sách hàng đầu là giáo dục. Việc xác định cụ thể thế nào là "lương đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu của nhà giáo" sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Sơn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022