Chạm đến một nửa ước mơ

Nguyễn Thành Vinh, 17 tuổi, đang học tại trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ khi chưa vào lớp 1, Vinh đã mơ ước được thi đấu trên Đường lên đỉnh Olympia. Suốt những năm tiểu học, cậu chăm chỉ học tập và được mẹ cho đi xem chương trình trực tiếp tại trường quay.

"Năm lớp 4, em ngồi ở vị trí khán giả và giải được câu hỏi IQ ở giây đầu tiên, các anh chị ngồi cạnh trầm trồ khen ngợi. Đó là động lực cho em phấn đấu. Em thật sự tập trung để thi Olympia từ năm lớp 9. Mỗi lần có chương trình, em đứng nghiêm túc ở giữa nhà, trả lời cùng thí sinh để tập luyện và thấy rất thú vị", chàng trai lớp 12 chia sẻ.

photo-6-16658902618421606184387.jpeg

Thành Vinh mơ ước được đứng trên sân khấu Olympia từ khi còn nhỏ.

Mẹ của Vinh, chị Nguyễn Thị Loan, 43 tuổi, rất vui khi con có niềm đam mê và sự quyết tâm. "Việc thi Olympia là ước mơ từ nhỏ của con, bố mẹ rất ủng hộ. Tuy nhiên có nhiều lo lắng bởi đó là hành trình dài hơi, cần có kiến thức tốt và tổng hợp", chị Loan nói.

Vinh sau đó tích cực ôn luyện, gặp được anh chị và các bạn có cùng đam mê và chí hướng. Cậu vào nhóm thí sinh thi Olympia 2022, được một anh chỉ dạy. Chàng trai hoạt ngôn này còn kết nối với cộng đồng cùng thi chương trình. Cậu kể mọi người trong cộng đồng thường tổ chức những "kèo lớn", cùng thi trên những phần mềm mô phỏng chính xác cuộc thi Olympia. Vinh thi thử nhiều lần và cảm thấy rất tự tin.

Đầu tháng 11/2021, cậu thi vòng loại ở trường và được lựa chọn thi chính thức vào tuần 2 tháng 2 quý 2 năm 2022. Khi được phía chương trình gọi xác nhận, Vinh rất sung sướng vì ước mơ đã trở thành hiện thực. Những đêm sau đó, cậu hồi hộp và mong chờ, đếm từng ngày để được đứng trên trường quay S14.

photo-5-16658902597391662862276.png

Vinh trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: cắt từ chương trình

"Dù tự tin về kiến thức và đã chạm đến cuộc thi Olympia nhưng vấn đề về tư tưởng tâm lý vẫn hiện hữu. Ngay cả khi bước vào giây phút thi chính thức, em vừa bình tĩnh, vừa lo. Bình tĩnh vì đã quen với sân khấu. Lo vì em đã chứng kiến những người rất giỏi nhưng lại ra về sớm, em tự hỏi liệu điều tương tự có xảy ra với mình không. Điều đó khiến em tự áp lực cho bản thân", Vinh chia sẻ.

Áp lực đó là một phần khiến Vinh mất bình tĩnh và chỉ giành được 2 lần quyền trả lời ở phần khởi động. Kết quả không như mong đợi khiến cậu hoang mang và phát hoảng. Nó trở thành chuỗi domino, dẫn từ cái sai nọ đến cái sai kia. Kể cả khi giải được chướng ngại vật, Vinh vẫn không thể lấy lại sự tự tin và đuối dần. Cậu cho rằng, việc nghĩ đến thất bại quá sớm khiến mình vô tình đánh mất hết sự bình tĩnh và tự tin.

"Em đã cố gắng cắt đứt chuỗi domino đó bằng cách hít thật sâu và uống nước, nhưng thật sự áp lực của mình lớn quá. Rất nhiều câu em được học rồi nhưng trong thời gian ngắn, khoảng 15-30s, sự mất bình tĩnh khiến em không nhớ ra được", Vinh day dứt nói.

photo-4-1665890258458575875871.png

Thành Vinh gục mặt sau khi trả lời sai. Ảnh: cắt từ chương trình

Đối với Vinh, kết quả 190 điểm, xếp thứ 3 chung cuộc, chắc chắn không phải những gì cậu mong đợi và càng không thể mỉm cười về nó. Lúc phần thi về đích của Vinh kết thúc, cậu gục xuống bàn, nhen nhóm chút hy vọng kiếm thêm điểm từ thí sinh thi sau. Nhưng cơ hội đi tiếp đóng sập lại ngay lập tức vì thí sinh sau trả lời đúng cả 3 câu, Vinh sụp đổ. Lúc đi thi về, lòng cậu "chứa đầy tâm sự, không thiết cái gì nữa".

"Nếu muốn vòng nguyệt quế, để anh nhờ người làm cho một chiếc giống như thật"

"Có người buồn thì khóc được luôn, còn em phải 2-3 ngày sau mới khóc được. Em mất khá nhiều thời gian để cân bằng lại cuộc sống. Khi chương trình phát sóng xong, em vẫn chưa tìm lại được cảm giác trước khi thi", Vinh thất vọng.

Cậu kể sau khi rời khỏi Olympia, cậu nhiều lần ngủ mơ về cuộc thi đó. Trong mơ cậu làm tốt, nhưng lúc tỉnh dậy thì không phải sự thật. Những ngày đi học sau đó, "em ngồi trên lớp nhưng đầu óc cứ ở đâu đâu, gần như kiến thức các thầy cô dạy, em không tiếp thu nổi". Chàng trai 17 tuổi còn tiếc nuối nhiều điều. Nếu được quay lại, cậu nói sẽ cố gắng chuẩn bị tâm lý tốt hơn, bình tĩnh hơn và làm tốt hơn.

Thấy Vinh buồn, một người quen của cậu gợi ý: "Nếu muốn có một vòng nguyệt quế, để anh nhờ một người làm cho một chiếc đẹp giống thật". Thành Vinh từ chối: "Thôi anh ạ, em tự cảm thấy mình không xứng đáng với nó. Những thứ không thuộc về mình thì không nên nhận".

photo-3-16658902567722099016717.png

Vinh nói không nhận những thứ không thuộc về mình.

Vinh sau đó trống rỗng suốt khoảng một tháng, khiến bố mẹ lo lắng. Chị Loan biết con chưa toại nguyện với kết quả đó và luôn tự trách bản thân, đau đáu về những gì chưa làm được. Thấy con bị ảnh hưởng tâm lý thời gian dài, chị cũng khá lo lắng và thường xuyên động viên.

"Olympia chỉ là một cuộc chơi. Khi kết thúc, có bạn thắng bạn thua, điều đó hết sức bình thường, quan trọng là những trải nghiệm đáng quý. Qua cuộc chơi này, con có thể nhìn nhận, đánh giá và phấn đấu tốt hơn. Còn tương lai vào đại học, học cái gì, học xong thì ra làm cái gì,.. điều đó mới khẳng định được mình", mẹ Loan nhắc nhở con.

Một thời gian sau, Vinh dần cân bằng trở lại và hướng đến mục tiêu thi IELTS. Cậu nhận ra mình phải tập trung vào những thứ khác, thay vì cứ buồn mãi.

"Hy vọng trong tương lai, bên cạnh việc cố gắng cải thiện điểm yếu của bản thân, em sẽ để cảm giác thất bại phai đi nhanh để thanh thản hơn. Có những sai lầm không thể thay đổi được nhưng sẽ có cách cải thiện bản thân để tốt hơn. Đó là điều em đang hướng đến", Vinh nói.

photo-2-1665890255064916833814.jpeg

Nguyễn Thành Vinh và mẹ Nguyễn Thị Loan.

Khi cuộc thi đến vòng chung kết, Vinh ngồi ở trường quay để cổ vũ các bạn chơi thân. Chứng kiến các bạn thắng, cậu rất mừng và ôm lấy bạn, song lại thấy hơi chạnh lòng, bởi "cùng là bạn chơi với nhau, mà người được vào vòng trong, mình lại phải dừng lại". Lúc các bạn được trao giải, Vinh đứng ra một góc, cảm xúc lẫn lộn và tự động viên "mình cũng là một Olympian".

"Cuộc thi này rất cần thiết để em biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Hiện tại em tập trung cho ước mơ trở thành lập trình viên phát triển phần mềm. Hy vọng qua cuộc thi Olympia vừa rồi, em vẫn bình tĩnh, tự tin để có những trải nghiệm tiếp theo", Vinh tâm sự.

Cậu học sinh lớp 12 vừa đạt chứng chỉ IELTS 7.0 và đang cố gắng thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để theo đuổi đam mê về trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và công nghệ thông tin.

"Dù cuộc thi kết thúc với kết quả không may mắn, nhưng em đã chạm được đến ước mơ hồi nhỏ, đó là được đứng trên sân khấu của Olympia", Vinh nói.

photo-1-16658902534441376360166.jpeg

Vinh ước mơ trở thành lập trình viên phát triển phần mềm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022