Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật bản, hơn 1,09 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay. Nhà chức trách dự đoán số này sẽ tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 820.000 vào năm 2040. Số sinh viên nhập học năm 2041 chỉ còn 450.000 người, giảm gần 30% so với năm 2021.
Nguyên nhân của tình trạng này là tỷ lệ sinh giảm. Trong khi đó, số đại học tư lại không ngừng tăng, đạt mức cao kỷ lục 624 trường. Trước đó, nhiều trường cao đẳng đã chuyển đổi thành các cơ sở đào tạo bốn năm nhằm gia tăng sức hấp dẫn.
Tuy nhiên, từ năm ngoái, các trường tuyển sinh không đạt 80% chỉ tiêu trong ba năm liên tiếp sẽ bị loại khỏi các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Để đối phó, nhiều trường buộc phải giảm tuyển sinh. Khảo sát với 474 đại học tư do tờ The Asahi Shimbun và Viện Giáo dục Kawaijuku thực hiện cho thấy 26% số trường đã giảm chỉ tiêu so với nhiều năm trước. Ngoài ra, 9% cho biết có kế hoạch giảm trong 5-10 năm tới.
Khuôn viên Đại học Waseda, Nhật Bản. Ảnh: Waseda university Fanpage
Việc giảm chỉ tiêu đồng nghĩa với nguy cơ giảm doanh thu từ học phí, gây khó khăn về tài chính. Hội đồng Giáo dục trung ương khuyến nghị các trường sáp nhập, đóng cửa hoặc tái cơ cấu để đạt được quy mô phù hợp với thực tế nhân khẩu học.
Một giải pháp khác được đề xuất là chuyển giao các khoa hoặc chương trình đào tạo từ trường này sang trường khác. Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương đã tiếp quản hoạt động của các đại học tư, chuyển đổi chúng thành công lập. Những trường này không chỉ nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ mà còn có thể tận dụng mô hình quản lý trường công lập để giảm học phí và tăng tính cạnh tranh.
Theo Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JASSO), học phí trung bình tại các đại học công hiện khoảng 2,5 triệu JPY (hơn 400 triệu đồng) cho bốn năm học. Con số này gấp đôi ở các trường tư. Nếu học ngành Y, học phí trung bình ở các đại học tư gấp 4 tới 5 lần.
Để đề phòng trường hợp các đại học tư không thể khắc phục khó khăn tài chính, Bộ Giáo dục Nhật Bản dự kiến xây dựng các quy định để giúp sinh viên tiếp tục theo đuổi chương trình khi trường đóng cửa.
Minh Nguyệt (Theo Japannews, Asahi, Japantimes)