Hoàn thành năm 2011, với nguồn vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng nhưng do không đủ học sinh để dạy nên đến nay trường THPT Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) vẫn chưa đưa vào sử dụng. Bị bỏ hoang phế nhiều năm nên mặt trước ngôi trông rất hoang tàn, cỏ mọc um tùm, một số hộ dân thả gà vịt vào nuôi.
Trường có một tầng trệt và 2 tầng lầu trên diện tích khoảng một hecta. Hệ thống nước, phòng cháy chữa cháy trong trường đã lắp đặt xong. Hơn 15 phòng học đã gắn đèn, quạt nhưng đều bị khóa kín cửa, các ổ khóa thì bị rỉ sét do lâu ngày không được mở.
Do không thể đưa vào giảng dạy nên trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu bàn giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh để làm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Sau khi tiếp quản, sở này cho xây dựng thêm một công trình nhưng hiện cũng bị bỏ hoang, xung quanh cỏ mọc um tùm, đường xá trũng nước.
"Con em ở địa phương học hết cấp hai thì phải ra tận TP Bạc Liêu để học cấp ba, trong khi ngôi trường này bị bỏ hoang, gây lãng phí quá lớn", ông Thạch Xa, người dân địa phương, nói.
Cùng chung cảnh ngộ là trường dạy nghề xây dựng gần 20 tỷ đồng. Gần 5 năm trước, trường này đưa vào sử dụng trong khu đất được quy hoạch rộng đến 7,2 ha. Dãy nhà khang trang nhưng lúc đó chỉ có vài chục học sinh vào học dù sở giao chỉ tiêu cho trường tuyển sinh 1.000 người vào năm 2011. Không sử dụng hết công năng, trường sáp nhập với Cao đẳng nghề Bạc Liêu nhưng do không có học viên nên một số dãy nhà phải đóng cửa.
Ông Đào Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu cho biết, sau khi sáp nhập vào tháng 10/2015, nhà trường đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng sửa chữa cổng trường và nhiều hạn mục khác nhưng để sử dụng được cho việc giảng dạy thì cần hơn 1,2 tỷ đồng nữa để nâng cấp.
Nền móng của dãy nhà bị nứt toác, phủ đầy rêu phong.
Ông Nguyễn Văn Dần (bảo vệ trường) cho biết, do chưa xin được tiền mua máy phát cỏ nên trong khuôn viên trường khá nhiều cây cỏ mọc um tùm, nền dãy nhà bị sụp xuống.
Do bị bỏ hoang phế nhiều năm, hiện các dãy nhà bị hư hỏng nặng.
Theo Phó hiệu trưởng Đào Anh Tuấn, do cơ sở vật chất bị hư hỏng nhiều nên hiện trường chỉ tận dụng được một số ít phòng còn nguyên vẹn để dạy nghề may. Sau hơn 8 tháng sáp nhập, trường tổ chức dạy được cho hơn 200 học viên.
Ngôi trường hoang phế ở Bạc Liêu.
Phúc Hưng