Trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, Nguyễn Nga Nhi (THCS Hà Nội - Amsterdam) đỗ cả 3 trường chuyên danh tiếng là THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Sư phạm và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tổng điểm xét tuyển vào lớp 10 khối không chuyên của Nga Nhi cao nhất toàn thành phố Hà Nội với 60,5. Trong đó Toán 10, Văn 8,5 và điểm THCS 23,5 (trong đó điểm Toán và Văn tính hệ số 2). Đặc biệt, Nga Nhi là thủ khoa khối chuyên Toán Khoa học Tự nhiên (28/30), thủ khoa khối chuyên Lý Khoa học tự nhiên (28/30) và thủ khoa khối chuyên Toán Sư phạm (33/40).
Cách đây 4 năm, với bài văn điểm 10 về khung cảnh một chiều tối tại thủ đô, Nga Nhi trở thành thủ khoa đầu tiên trong kỳ thi đầu vào lớp 6 của Trường Marie-Curie với điểm tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt. Năm đó, Nga Nhi cũng là á khoa kỳ thi đầu vào lớp 6 của trường Hà Nội - Amsterdam với điểm tuyệt đối môn Toán.
Nga Nhi bên gia đình tại lễ tuyên dương sau Cuộc thi toán học trẻ quốc tế CIMC 2015 tại Trung Quốc. |
Nga Nhi chọn trường Hà Nội - Amsterdam trong suốt 4 năm THCS. Thời gian này, em đã đạt nhiều giải toán quốc tế trong và ngoài nước, như học sinh Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 4 cuộc thi toán châu Á - Thái Bình Dương năm 2013 tại Singapore, huy chương Vàng cuộc thi Toán học Trẻ Quốc tế KIMC năm 2014 tại Hàn Quốc, huy chương Bạc cuộc thi Toán học Trẻ Quốc tế CIMC năm 2015 tại Trung Quốc, giải Nhất cuộc thi toán Hà Nội mở rộng HOMC 2015, giải Nhất kỳ thi toán quốc tế giữa các thành phố ITOT Hà Nội 2015…
Với bảng dài thành tích, Nga Nhi được nhận bằng khen của Chủ tịch thành phố Hà Nội (năm 2016) và hai lần được nhận bằng khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (năm 2014 và 2015).
Mỗi lần tham gia cuộc thi quốc tế, Nhi đều có trải nghiệm quý báu. Như cách thức chấm thi ở Cuộc thi toán học trẻ quốc tế (IMC) rất cởi mở, minh bạch trong tranh luận. Các bài thi đầu tiên được ban giám khảo chấm như bình thường. Sau đó, bài làm được trả cho các trưởng đoàn để rà soát xem có thắc mắc gì không trong phiên họp phản biện. Trong thời gian nhất định một vài giờ theo quy định của ban tổ chức, mọi vấn đề được phát hiện đều sẽ được thảo luận trên tinh thần xây dựng. Giáo viên của từng đoàn sẽ cố gắng bảo vệ học sinh của mình nhưng nếu không có lý thì cũng chẳng thể thuyết phục được ban giám khảo.
"Các kỳ thi ở Việt Nam có chế độ phúc khảo nhưng chưa có cơ chế minh bạch. Sau khi phúc khảo, nhiều thí sinh vẫn tỏ ra chưa tâm phục. Phải chăng chúng ta nên có cơ chế để đăng công khai bài thi lên trang web của đơn vị tổ chức thi theo yêu cầu của những thí sinh chưa cảm thấy điểm của mình là thỏa đáng. Chi phí phát sinh sẽ tính vào lệ phí minh bạch", Nga Nhi chia sẻ.
Đối với Nhi, toán học là niềm đam mê. Nữ sinh cho biết đang triển khai một dự án chia sẻ niềm đam mê này với khẩu hiệu "Chia sẻ thành công, nhân rộng tình thương" (nếu dịch sang tiếng Anh sẽ là 'Succeeding for sharing'). Ý tưởng dự án hướng tới cộng đồng này hình thành khi em tham gia các hoạt động từ thiện truyền thống tại trường như quyên góp tài chính hay hiện vật để ủng hộ những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
"Em hy vọng những ai cảm thấy thông tin em chia sẻ là hữu ích sẽ sẵn lòng tìm xem đâu là thế mạnh của mình để chia sẻ với cộng đồng một cách sáng tạo hơn, hào phóng hơn và hữu ích hơn. Buổi nói chuyện đầu tiên của dự án đã được tổ chức dưới tiêu đề 'Nguyễn Nga Nhi - Câu chuyện toán học' vào ngày 22/4 vừa qua ở một trường liên cấp ở Hà Nội để tạo động lực cho toàn thể các bạn học sinh khối 9 của trường trước kỳ thi vào 10", Nga Nhi cho hay.
Nữ sinh tâm sự, cụ nội của em là cố GS Nguyễn Lân - Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam, là tấm gương để em noi theo, xứng đáng là hậu duệ cụ. Mỗi khi đạt thành tích cao, em vẫn thường nghe mọi người khen là có "gen thông minh" của đại gia đình Nguyễn Lân. Riêng Nga Nhi cho rằng, nền tảng gia đình là quan trọng, nhưng bản thân mỗi người cần cố gắng.
Lan Hạ