Ngày 17/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 - thời điểm khoá học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình năm 2018) tốt nghiệp.
Bộ dự kiến trong giai đoạn 2025-2030 sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương đủ điều kiện. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Về số môn thi, bốn môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Riêng với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc là ba, không có Ngoại ngữ.
Ngoài môn bắt buộc, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Ngữ văn là môn duy nhất thi tự luận trên giấy, còn lại trắc nghiệm. Bộ cho biết ngân hàng câu hỏi và đề thi tất cả môn sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp tại trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), ngày 7/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Bộ cho rằng việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cho 17 môn là thách thức lớn, trong đó ba môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đến năm 2024, sách giáo khoa lớp 12 mới được sử dụng với nhiều bộ khác nhau. Bộ nhận định điều này khiến việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi gặp áp lực thời gian.
"Cần huy động nguồn lực lớn để ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề cũng như công tác tổ chức thi", Bộ nêu trong hướng dẫn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn do Bộ chỉ đạo chung, ban hành quy chế. Thí sinh cả nước sẽ thi chung đợt. Các địa phương trực tiếp tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.
Bộ đánh giá, phương án thi này đảm bảo phân cấp, tăng tự chủ, trách nhiệm cho các địa phương; việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp gọn nhẹ, đảm bảo đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra chương trình mới.
Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả), năm 2015 lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Đây được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết 29 năm 2013 của Trung ương khóa XI.
Đến năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành tốt nghiệp THPT và duy trì đến nay. Như tên gọi, kỳ thi này hướng đến mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, nên đề thi được thiết kế dễ hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các trường đại học vẫn có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, hoặc áp dụng thêm các tiêu chí, phương thức khác để tuyển được thí sinh chất lượng cho các ngành cạnh tranh cao.
Thanh Hằng