Tháng 3 hàng năm luôn là khoảng thời gian "cao điểm" để các bạn học sinh THPT đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đời: Học ngành gì, thi trường nào… Nếu học hành ở giai đoạn này áp lực một, thì việc chọn ngành nghề của các bạn học sinh áp lực đến mười. Những tư tưởng chọn ngành nghề sai lầm như "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", rồi chọn nghề theo trào lưu, chọn vì bạn bè cũng chọn mà không có bất kì tìm hiểu nào…, tất cả đều đẩy các sĩ tử vào dòng hoang mang.

Thêm vào đó, thời gian vừa qua, trên MXH còn lan tràn nhiều thông tin hướng nghiệp tiêu cực. Từ vụ cô gái đem bằng đại học đi xin việc nhưng bị 825 công ty từ chối gây hoang mang đến vụ nữ sinh tốt nghiệp cao đẳng bị bạn bè dè bỉu hay mới đây là loạt clip TikTok với nội dung "những ngành học vô dụng"/ "những tấm bằng đại học vô dụng"... làm nhiễu loạn thông tin và khiến các sĩ tử lo lắng hơn bao giờ hết.

Không có ngành học nào là vô dụng!

Trước thông tin "ngành học vô dụng" tràn lan hiện nay, thầy Nguyễn Duy Anh - Giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh tại FPT Polytechnic Hà Nội cho biết, những ai hiện nay vẫn còn giữ những tư tưởng rằng việc học các ngành như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing… là "vô dụng" thì thật đáng xấu hổ. Bởi đơn giản các bạn vẫn chưa biết cách tận dụng những lợi thế từ các ngành học đó mang lại mà thôi.

photo-2-16789821704641143079395.jpg

Thầy Nguyễn Duy Anh

Thầy cho biết ngành học nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm riêng và các ngành học thường bị "gán mác" là "vô dụng" cũng vậy. Việc theo đuổi các ngành như: Quản trị kinh doanh, Marketing và Quản trị nhân sự... sẽ giúp các bạn mở mang được góc nhìn, tư duy trong việc đảm nhận những vị trí quản trị trung và cao cấp của một doanh nghiệp, từ đó giúp việc nhìn nhận các vấn đề, hiện trạng của doanh nghiệp dưới một "bức tranh" tổng quát và tìm ra các nguyên nhân và mối liên hệ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp đơn giản hơn. Nhờ bạn, bạn định hướng giải pháp cụ thể có tính hiệu quả.

Nếu ngay từ vị trí cấp bậc chuyên viên, nhân viên trong doanh nghiệp, các bạn đã có thể áp dụng tư duy hay góc nhìn quản trị của mình vào các công việc hàng ngày, chắc chắn sẽ được sếp của mình đánh giá rất cao. Bởi lúc đó, các bạn đang hiểu được những kỳ vọng của sếp mình với các công việc giao cho bạn.

"Điều quan trọng với bất kỳ ngành nghề nào là luôn phải duy trì động lực và khát khao học hỏi", thầy Duy Anh kết luận.

Bằng cao đẳng có thực sự "vô dụng"?

Không chỉ có những tư tưởng tư vấn hướng nghiệp một chiều mà dạo dần đây, tình trạng phân biệt bằng đại học và cao đẳng cũng xuất hiện. Cụ thể, trên MXH mới đây xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một bạn nam - người được cho là vừa bị công ty từ chối tuyển dụng, cùng nhóm bạn của mình bàn tán về một nữ ứng viên. Được biết, họ cùng nhau ứng tuyển vào một công ty, nhưng sau một khoảng thời gian thử việc, nhà tuyển dụng đã quyết định nhận cô gái vào làm việc, còn anh chàng trong video lại bị từ chối.

Đáng nói trong đoạn clip, nam thanh niên sử dụng rất nhiều ngôn từ khiếm nhã và coi thường nữ đồng nghiệp này: "Học cao đẳng mà cũng được nhận vào làm", "Có làm được gì đâu cơ chứ", "Nhìn là biết chẳng có tiềm năng gì cả"… Thậm chí chàng trai này còn cho rằng, tư duy của những người học cao đẳng "không thể làm được những việc logic".

Trước quan điểm "coi thường bằng cao đẳng" này, cô Phan Thị Việt Hà - giảng viên khoa Du lịch một trường cao đẳng cho biết, làn sóng sa thải hiện nay đã và đang diễn ra ở khá nhiều lĩnh vực, ngành nghề và Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, ở góc nhìn tuyển dụng, hiện nay việc đào tạo nhân sự trong lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn mới chỉ đáp ứng được 37,5% nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, nhu cầu thực tế về nhân lực lại đang tăng cao, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030 với mức 60.000 lao động mỗi năm.

Vì vậy, cô Hà nhận định việc định hướng nghề nghiệp dành cho các bạn học sinh THPT là vô cùng cần thiết. Không phải là cứ ngành học ngành hot, "xu hướng" là chắc chắn có việc làm, mà nó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nhau: Kiến thức, kỹ năng, thái độ và tinh thần cầu tiến của mỗi cá nhân.

"Nếu như các bạn tốt nghiệp Cao đẳng ở lĩnh vực này, điều này không có nghĩa là các bạn không có cơ hội cạnh tranh khi ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, do đó, dù là bằng Cao đẳng cũng không có nghĩa là 'thua kém' khi thực sự bước chân vào thị trường lao động", cô Hà nói.

Quan trọng là năng lực làm việc và khả năng thích ứng!

TikToker Hấu Nguyễn (tên thật: Nguyễn Bích Thị Hậu, sinh viên khoa Răng hàm mặt trường Đại học Y Hà Nội) là đại sứ toàn quốc Mạng lưới sinh viên khối ngành sức khỏe ở Việt Nam. Cô nàng nổi tiếng với tài khoản TikTok Hấu học Y và series review trường Y khắp cả nước, cũng như tham gia khá tích cực các hoạt động hướng nghiệp trong ngành. Hấu Nguyễn cảm thấy khá bức xúc với các thông tin hướng nghiệp tiêu cực, mang tính chất cá nhân hóa và thiếu kiểm duyệt trong thời gian vừa qua.

Là một người làm nội dung trên MXH, Hấu Nguyễn hiểu rõ về việc thông tin không chính xác, "độc hại" ảnh hưởng đến mọi người như thế nào. Đặc biệt là trong thời buổi công nghệ hiện nay, tốc độ lan truyền mọi thứ được tính bằng tích tắc, nên nếu thông tin được phát tán "lệch chuẩn" nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đối với các bạn trẻ. Trong giai đoạn cao điểm chọn ngành nghề hiện nay của các bạn học sinh, việc tìm hiểu, chọn lọc các thông tin chính thống là rất bức thiết.

"Thông tin trên mạng xã hội được phát tán lan tràn và không có sự kiểm soát thông tin sẽ gây ra vô vàn hệ lụy. Vì vậy mình nghĩ mỗi cá nhân nên có một 'bộ lọc' thông tin của riêng mình, để lọc đi những điều tiêu cực và giữ lại những thông tin chính thống", nữ sinh bày tỏ.

photo-1-16789821674981338432732.jpg

TikToker Hấu Nguyễn

Ngoài ra, cô nàng cũng chia sẻ những kỹ năng cần thiết mà một ứng viên cần có để được tuyển dụng, ngay kể cả khi các bạn theo đuổi các ngành nghề đặc thù như: Bác sĩ, Công an, Giáo viên… Đúng là việc có bằng cấp ở những ngành nghề này mới có thể "hành nghề" được, nhưng bằng cấp không thôi là chưa đủ vì bạn cần phải có những tệp kỹ năng đính kèm khác:

"Bác sĩ thì phải có bằng cấp mới 'được đụng vào bệnh nhân', tức là được hành nghề một cách hợp pháp. Tuy nhiên, sự trau dồi về tay nghề, kĩ năng chuyên môn lẫn các kĩ năng mềm như ngoại ngữ, khả năng chịu áp lực cao... luôn là điều kiện cần để các bạn bước chân vào nghề. Điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực rèn luyện của mỗi cá nhân", Hấu Nguyễn nói.

Tóm lại, có nhiều động cơ xoay quanh việc lan truyền, phát tán những thông tin hướng nghiệp độc hại, một chiều, thiên kiến như hiện nay. Có thể là vì các "nhà hướng nghiệp tự xưng" muốn "câu like, câu view" nhưng cũng rất có thể họ muốn chia sẻ thông tin đến với mọi người nhưng chưa đủ cả tâm lẫn tầm, từ đó dẫn đến việc chia sẻ những thông tin lệch lạc.

Để không bị rơi vào "bẫy" thông tin giả, điều quan trọng là mỗi người cần phải xây dựng cho mình một khả năng tự lọc tốt. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về việc lựa chọn ngành nghề, hãy tìm đến những người có kỹ năng, chuyên môn về định hướng nghề nghiệp hay tham khảo những kênh thông tin chính thống, đừng để mình trở thành "nạn nhân" của những kiểu content hướng nghiệp "độc hại" lan tràn hiện nay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022