Lịch thi này muộn hơn một tháng so với thông lệ tháng 3, 5 hàng năm.
Đại học Quốc gia TP.HCM dự kiến bổ sung hai điểm thi tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, bên cạnh 21 điểm thi cũ, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu.
Ngoài ra, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực cũng được điều chỉnh để tiệm cận và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đơn vị này chưa công bố cụ thể. Các năm trước, đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, với ba phần thi: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Tổng điểm là 1.200.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 2 tại trường Đại học Bách khoa, ngày 28/5. Ảnh:Đại học Quốc gia TP HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM được tổ chức lần đầu năm 2018 để tuyển sinh cho các trường thành viên. Sau 6 năm, quy mô của kỳ thi ngày càng tăng. Từ 5.000 thí sinh đến từ 616 trường THPT vào năm 2018, đến năm 2023 con số này là hơn 100.000 thí sinh đến từ 1.815 trường. Kết quả kỳ thi được 97 trường đại học, cao đẳng sử dụng để tuyển sinh.
Thí sinh giành ngôi thủ khoa kỳ thi năm nay đạt 1.133/1.200 điểm. Em này cũng là người có điểm cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.
Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong đó lớn nhất là kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lệ Nguyễn