Ngành stylist hiện đang được coi là một nghề khá "hot", được nhiều người quan tâm, đặc biệt là với giới trẻ. Bởi những stylist được tiếp xúc, làm việc với những ngôi sao nổi tiếng, giúp họ thỏa sức sáng tạo trong lĩnh vực thời trang. Ngành nghề này có mức thu nhập được đánh giá khá cao và linh động về thời gian. Theo tiết lộ của người trong nghề, một stylist chuyên nghiệp, chăm chỉ, nhiều mối quan hệ hoàn toàn có thể có thu nhập tới 100 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì stylist cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn. Những người làm công việc này đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng và nắm bắt được xu hướng thời trang một cách nhạy bén, đồng thời nắm bắt được rõ thông tin về đối tượng khách hàng. Họ còn phải là người có khối óc sáng tạo bởi ngoài việc nắm bắt kịp xu hướng thì việc tạo ra xu hướng tiên phong cũng là điều cần thiết.
Khả năng chịu áp lực cao cũng là điều mà stylist cần có bởi họ sẽ phải là người chịu những chỉ trích khi việc phối đồ trở thành thảm hoạ. Ngoài ra, bạn cũng cần biết một điều là nghề stylist có tính đào thải cao và nhanh chóng nếu như bạn không có óc sáng tạo và thẩm mỹ cao.
NGÀNH NGHỀ STYLIST LÀ GÌ?
Stylist được hiểu một cách đơn giản là người chịu trách nhiệm trong việc tạo dựng những phong cách thời trang cho khách hàng của mình. Khách hàng của họ chủ yếu là ca sĩ, diễn viên, MC… - những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, coi hình ảnh và diện mạo là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công. Stylist là người trực tiếp cố vấn, lựa chọn những trang phục, kiểu tóc, cách trang điểm cho khách hàng của mình mỗi khi họ xuất hiện trước công chúng.
Stylist được ví như người thổi hồn cho các trang phục bằng kỹ năng phối đồ tạo nên phong cách thời trang nổi bật, cũng như góp phần vào việc đưa những phong cách đó từ sàn diễn đến gần hơn với cuộc sống hàng ngày.
Ảnh minh họa.
HOẠT ĐỘNG CỦA STYLIST GỒM NHỮNG GÌ?
- Stylist thương mại (Commercial Stylist): Địa điểm làm việc của họ thường ở Đài truyền hình, các chương trình thực tế, phim trường… Công việc cụ thể là phối hợp với các công ty truyền thông - quảng cáo. Thuộc tính hoạt động rất vất vả, tinh thần trách nhiệm cao nhưng bù lại, họ có mức thu nhập tốt và ổn định. Những người làm được công việc này thường là stylist gạo cội, có nhiều kinh nghiệm.
- Stylist cá nhân (Personal stylist): Họ làm việc độc lập, có trách nhiệm tư vấn và định hình phong cách thời trang cho một cá nhân. Stylist cá nhân đòi hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong nghề. Mức lương của stylist cá nhân cũng phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng. Và tệp khách hàng stylist cá nhân thường là những người nổi tiếng.
- Stylist thời trang (Fashion/editorial stylist): Công việc của họ là lên ý tưởng về những bộ trang phục cho khách hàng hoặc đối tác của tạp chí. Stylist thời trang sẽ làm việc trực tiếp với Giám đốc hình ảnh, chuyên gia hàng đầu ngành thời trang, nhiếp ảnh gia… Thường thì họ sẽ làm việc tại các tòa tạp chí để hỗ trợ việc sản xuất hình ảnh.
Stylist đang là ngành nghề được nhiều bạn trẻ quan tâm bởi thu nhập tốt, có nhiều cơ hội phát triển bản thân. (Ảnh minh họa)
NHỮNG TIÊU CHÍ ĐỂ TRỞ THÀNH STYLIST
Để trở thành một stylist thời trang, bạn cần nỗ lực hoàn thiện bản thân dựa trên những tiêu chí như:
- Nắm được kiến thức cơ bản: Bạn cần có lượng kiến thức nền tốt. Việc học ngành thời trang hoặc định hình phong cách thời trang là cách tốt nhất để bạn có được những kiến thức cơ bản, vững chắc nhất. Bên cạnh đó, việc học hỏi, nghiên cứu các kiến thức thời trang từ nhiều nguồn khác nhau cũng là cách giúp bạn nâng cao năng lực.
- Thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang mới nhất: Là một stylist chuyên nghiệp, bạn không những cần cập nhật xu hướng thời trang thường xuyên mà còn phải biết cách đón đầu những xu hướng sắp đổ bộ. Còn đối với những stylist mới vào nghề cần biết cách bắt kịp những xu hướng thời trang đang thịnh hành thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: Mạng xã hội, trang web, TV, radio…
Ngoài ra, bạn cần thường xuyên ra đường tập quan sát phong cách thời trang đường phố để nắm bắt xu hướng.
- Học hỏi những điều mới mẻ trong quá trình làm việc: Tinh thần tiếp thu, học hỏi luôn được đề cao trong mọi ngành nghề và mọi trường hợp. Trong thị trường thời trang rộng lớn, việc học hỏi lại càng yêu cầu cao hơn. Stylist không chỉ vững về những kiến thức thời trang vốn có mà còn phải học tập từ những người trong và ngoài ngành. Việc học hỏi không chỉ giúp tư duy về thời trang mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của sự nghiệp trong tương lai.
- Tạo mối quan hệ vững chắc với người có ảnh hưởng: Stylist được làm việc với người có tầm ảnh hưởng, đó được xem là một bước thành công. Người có tầm ảnh hưởng gián tiếp mang thương hiệu của stylist đi xa hơn, giúp tên tuổi của bạn được nhiều người biết đến. Từ đó, khách hàng từ những mối quan hệ của họ sẽ tìm đến stylist.
- Chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển: Sẽ không có ai mang cơ hội đến ngoài chính bản thân bạn, vì thế bạn cần luôn chủ động. Đừng ngần ngại gọi điện đến các tạp chí thời trang để xin thực tập hay gia nhập vào các câu lạc bộ, các hội nhóm liên quan đến lĩnh vực thời trang. Nếu có cơ hội thì hãy chủ động tham gia vào các cuộc thi về thời trang sẽ giúp bạn thể hiện đam mê và mở ra cơ hội tạo danh tiếng, kinh nghiệm.
MUỐN TRỞ THÀNH STYLIST THÌ HỌC NGÀNH GÌ?
Hiện tại nghề stylist chưa được đào tạo chính quy tại các trường Đại học, Cao đẳng ở nước ta. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng bởi bạn có thể đăng ký dự thi các nhóm ngành về thiết kế thời trang hoặc thiết kế đồ họa với mục đích nắm được những quy tắc cơ bản trong thời trang, kết hợp với rèn luyện tư duy thẩm mỹ.
Chỉ khi nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản, bạn mới có thể phối đồ một cách hợp lý và bắt mắt. Ngoài ra, cũng có những stylist không đi theo con đường học vấn mà vẫn thành công bởi họ có đam mê cháy bỏng, sự sáng tạo vượt bậc, hay nói cách khác là họ có tố chất thẩm mỹ.