Năm nay, trường Đại học Kinh tế Quốc dân bắt đầu đưa tiếng Hàn Quốc và Nhật Bản vào danh sách ngoại ngữ 2, cùng với tiếng Pháp và Trung Quốc đã có từ năm 2012.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn bắt buộc học ngoại ngữ 2. Với những ngành còn lại, các em được khuyến khích, không yêu cầu đầu ra. Theo thống kê của trường, hơn 300 tân sinh viên đã đăng ký theo diện này.

Nhiều đại học có xu hướng mở rộng dạy ngoại ngữ 2 bên cạnh tiếng Anh cho sinh viên, chủ yếu cho sinh viên tự chọn, không bắt buộc. Như trường Đại học Ngoại thương đang dạy 5 ngoại ngữ 2, gồm tiếng Trung, Nhật, Pháp, Nga, Tây Ban Nha; dự kiến bổ sung tiếng Đức và Hàn Quốc. Đại học Mỏ-Địa chất có tiếng Trung, Nhật, Hàn bên cạnh tiếng Anh; còn Đại học Nha Trang dạy ngoại ngữ 2 là tiếng Pháp, Trung, Nga, Nhật.

233a1084-1729219029-2102-17292-8948-3536-1731062649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RPqxN81DtvS7hqc6i6u48g

Thí sinh hoàn thành môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo TS Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những lý do khiến trường mở rộng dạy ngoại ngữ 2 là trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên không ngừng tăng.

Năm 2024, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận gần 12.000 hồ sơ có IELTS (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế), trong khi cách đây 5 năm chỉ 2.000. Khoảng 70% trong số sinh viên trúng tuyển có IELTS từ 5.5 trở lên, một nửa đạt trên 6.5 - tương đương mức chuẩn đầu ra cao nhất của trường.

Trường Đại học Ngoại thương ghi nhận xu hướng tương tự. Năm nay, tỷ lệ tân sinh viên có IELTS từ 6.5 trở lên là 76%, từ 7.5 là 44%, cũng tăng mạnh so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, ông Đức cho rằng biết thêm ngoại ngữ tạo lợi thế cho sinh viên khi tìm việc làm sau tốt nghiệp. Trường quan tâm tiếng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi đây là những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á.

Thạc sĩ Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng trách Quản lý đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, đồng tình. Bà nhìn nhận ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là cầu nối gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội, giúp người học am hiểu hơn bối cảnh, yêu cầu của thị trường quốc tế. Vì vậy, sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ tác động không nhỏ đến sự sáng tạo, khả năng kết nối và nắm bắt cơ hội nghề nghiệp.

"Kết hợp giữa nền tảng tiếng Anh vững chắc, khả năng sử dụng ngoại ngữ thứ hai là yếu tố quan trọng giúp sinh viên nâng cao vị thế của mình trong thị trường lao động quốc tế", bà Hà nói.

Khi trình độ tiếng Anh của người học ngày càng cao, ông Đức dự đoán việc trường đại học phát triển dạy ngoại ngữ 2 là xu hướng tất yếu. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Thời gian tới, trường Đại học Ngoại thương dự kiến yêu cầu bắt buộc học ngoại ngữ 2 với một số chương trình, chứ không chỉ các ngành ngôn ngữ như hiện nay.

Tại trường Đại học Mỏ-Địa chất, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết cuối năm 2023, chương trình Ngôn ngữ Trung Quốc của trường đã được hội đồng thẩm định thông qua. Việc mở ngành mới hướng tới mục tiêu đào tạo tiếng Trung chuyên sâu cho sinh viên.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022