Ngô Hữu Thoại bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Điện tử Nano tại đại học Lille (Pháp) và ngành Vật lý tại Đại học Ghent (Bỉ), hồi tháng 8, sau ba năm theo học chương trình kết hợp của hai trường. Anh hiện làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại phòng thí nghiệm Phân tích bề mặt rắn, cấu trúc nano và vật liệu lượng tử, thuộc Viện Vật lý, Đại học Công nghệ Chemnitz (Đức).
Tại đây, Thoại cùng đồng nghiệp tập trung nghiên cứu các tính chất điện tử và lượng tử trong vật liệu graphene trên nền vật liệu SiC được xen kẽ với một nguyên tố kim loại nhất định. Graphene là một dạng vật liệu 2D với nhiều đặc tính vật lý và hóa học nổi bật, đặc biệt là tính chất điện tử. Bằng cách sử dụng kính hiển vi hiệu ứng đường hầm ở nhiệt độ thấp, Thoại muốn khám phá hiệu ứng lượng tử spin Hall (quantum spin Hall effect) trong vật liệu graphene. Đây là một hiệu ứng thú vị và quan trọng cho ứng dụng tiềm năng như spintronics và thông tin lượng tử.
Chặng đường chinh phục tri thức của Thoại bắt đầu với nhiều cơ cực, nhưng tiến sĩ trẻ luôn cố gắng bắt lấy mọi cơ hội bằng sự chủ động và nghị lực mạnh mẽ.
"Phải đặt ra mục tiêu, và khi có rồi thì phải sắp xếp được mình sẽ thực hiện chúng như thế nào", Thoại nói.
[Thoại trong phòng thí nghiệm của Đại học Công nghệ Chemnitz, Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quê Thoại ở một vùng ven biển của xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gia đình chỉ có mẹ và Thoại nên mọi chi tiêu đều dựa việc làm thuê và buôn bán của mẹ. Từ nhỏ, Thoại quyết tâm học tập, mong một ngày nào đó sẽ thoát nghèo.
"Gia đình là một trong những động lực lớn nhất của tôi", Thoại nói.
Năm 2016, Thoại đỗ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, chọn ngành Khoa học Vật liệu, chuyên ngành Vật liệu nano. Gặp khó khăn với mức học phí khoảng 4 triệu một kỳ, chàng tân sinh viên từ quê ra Vũng Tàu, làm phụ hồ và khiêng vác. Sau mười mấy buổi, Thoại đem khoản tiền công vừa nhận quay về đóng nốt số còn thiếu.
Tuy chọn ngành chỉ vì phù hợp với kinh tế gia đình, Thoại xác định mục tiêu học tốt ngay từ đầu. Thoại nhận nhiều học bổng cho sinh viên giỏi vượt khó, như Học bổng Đồng hành, quỹ Lawrence S.ting, Odon Vallet, Panasonic, cùng nhiều học bổng khác của trường và khoa. Cùng đó, Thoại làm đủ việc để mưu sinh, lo toan cho gia đình.
"Tôi đi bốc vác, làm thuê ở chợ, bưng bê ở nhà hàng, làm công nhân, gia sư,... rất nhiều việc cùng lúc để tự trả tiền học và sinh hoạt", Thoại nhớ lại.
Cơ duyên đầu tiên đưa Thoại tới con đường nghiên cứu đến vào năm thứ ba đại học. Được thực tập tại phòng thí nghiệm, niềm hứng thú trong anh nhen nhóm khi thấy các vật liệu biến đổi tính chất mỗi khi thay đổi kích thước, thôi thúc anh nghiên cứu và khám phá chúng ở kích thước nano.
Sau bốn năm rèn giũa, Thoại đạt điểm tuyệt đối 10/10 cho khóa luận tốt nghiệp về "Tổng hợp và ứng dụng vật liệu graphene oxit (GO) trong linh kiện bộ nhớ và cảm biến". Một số kết quả nghiên cứu này cũng đã được đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Science: Advanced Materials and Devices (thuộc nhóm Q1, uy tín nhất).
PGS Phạm Kim Ngọc, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhận xét: "Thoại nghiêm túc, cố gắng tìm tòi, hiểu thấu đáo từng vấn đề. Tôi luôn thấy sự cố gắng không mệt mỏi, tinh thần quyết tâm và thái độ lạc quan của em trong mọi hoàn cảnh".
Tin tưởng học trò, PGS Ngọc giới thiệu và động viên Thoại qua Đài Loan (Trung Quốc) thực tập nghiên cứu ba tháng ở Viện Khoa học Phân tử. Cùng lúc, Thoại kết nối được với các thành viên quỹ Học bổng Đồng hành, đều từng là du học sinh Pháp. Qua trò chuyện, anh biết đến các chương trình thạc sĩ về khoa học vật liệu ở quốc gia này. Vì thế, anh vừa thực tập ở Đài Loan, vừa chuẩn bị hồ sơ để xin học bổng.
Lúc này, Thoại chưa bảo vệ luận văn, thiếu bằng tốt nghiệp để hoàn thiện hồ sơ. Anh kiên nhẫn viết thư cho một số đại học, trình bày định hướng, chứng minh năng lực và cam kết ra trường đúng hạn.
"Quá trình chuẩn bị hồ sơ nhiều khó khăn, nhưng vì sự tò mò và thích thú cao với nghiên cứu nên tôi cố gắng hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước và thầy cô để hoàn thành", Thoại nhớ lại.
Kết quả, Thoại tốt nghiệp loại giỏi và giành được học bổng thạc sĩ từ Đại học Pau, Đại học Paris-Saclay. Thấy Paris-Saclay - top 3 đại học quốc tế ở Pháp theo xếp hạng của U.S News, Thoại đã chọn theo học chương trình Thạc sĩ 2 về Khoa học nano vào tháng 9/2020. Chương trình này cung cấp những kiến thức lý thuyết và thực hành chuyên sâu về công nghệ nano, và bán dẫn.
Ở Pháp, thông thường sinh viên phải học Thạc sĩ 1 để có kiến thức nền tảng trước khi học Thạc sĩ 2. Vì được vào thẳng Thạc sĩ 2, Thoại bị trống một khoảng kiến thức khi mới sang. Anh tự nhủ vừa học vừa hỏi bạn bè và giáo sư với phương châm "thiếu ở đâu thì đắp ở đó".
Sau 6 tháng học lý thuyết, Thoại dành khoảng 4 tháng thực tập tại Đại học Paris Cite, với đề tài "Nghiên cứu đặc tính cấu trúc và điện tử của vật liệu graphene pha tạp nito". Từ đây anh có cái nhìn mới mẻ về lượng tử và điện tử nano và muốn tìm hiểu sâu hơn. Vì thế, Thoại nộp học bổng tiến sĩ ở nhiều nơi dù chưa bảo vệ luận văn thạc sĩ.
"Tôi không bao giờ đợi cho đến khi hoàn thành việc học hiện tại rồi mới tìm cơ hội học cao hơn, mà luôn tìm trước và cam kết rất cao để giành học bổng", Thoại chia sẻ. Nhờ chủ động và kỷ luật làm theo kế hoạch, Thoại tốt nghiệp thạc sĩ với một bài báo khoa học là đồng tác giả, đăng trên tạp chí Q1 và nhận được một số lời mời học tiến sĩ.
Nhưng Thoại từ chối tất cả để đánh cược vào chương trình tiến sĩ kết hợp ở Đại học Lille và Đại học Ghent. Chương trình này được tài trợ bởi quỹ Quốc gia Pháp và quỹ Marie Skłodowska-Curie Actions, là học bổng rất cạnh tranh ở châu Âu. Những nỗ lực và sự chờ đợi cuối cùng được đền đáp khi Thoại trúng tuyển.
Ngoài mức hỗ trợ cao hơn trung bình, Thoại được làm việc ở các phòng thí nghiệm tối tân tại Pháp, Bỉ và Đức.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất với Thoại là khi nghiên cứu tính chất điện tử của tinh thể nano CdSe dạng keo bằng kính hiển vi đường hầm. Vật liệu này rất khó đo đạc, anh phải kiên trì đo vật liệu một mình trong một phòng thí nghiệm lạnh lẽo dưới tầng hầm suốt 1,5 năm. "Chông gai" này là một trải nghiệm thú vị, vì khi gặp vấn đề, anh luôn được các giáo sư và bạn cùng phòng thí nghiệm hỗ trợ.
Sau ba năm chăm chỉ, Thoại bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Anh vẫn duy trì "thói quen" tìm bến đỗ mới từ sớm và đã được 4-5 nơi nhận làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Cân nhắc nhiều yếu tố, gồm hồ sơ của giáo sư, phòng thí nghiệm, định hướng phát triển và mức lương, Thoại tới Đại học Công nghệ Chemnitz, từ tháng 9.
Ngô Hữu Thoại (thứ tư từ trái sang) cùng Hội đồng chấm luận án tại Viện Nano, Micro điện tử và Công nghệ Nano - Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhìn lại chặng đường đã đi, Thoại nói không tránh khỏi những giây phút mất động lực do tác động từ chuyện gia đình và các mối quan hệ xã hội. Nhưng khát khao được làm nghiên cứu và chăm lo cho mẹ giúp Thoại lý trí phân tích các ưu tiên, quyết tâm và chủ động cao.
"Nếu bạn là người chủ động, bạn sẽ có cơ hội để phát triển", Thoại quan niệm.
Khi cuộc sống đã tốt hơn nhiều, Thoại muốn truyền động lực và hỗ trợ các bạn trẻ, đặc biệt các em có xuất phát điểm thiệt thòi, muốn đi ra thế giới và giúp đỡ gia đình. Chàng trai 26 tuổi hiện tham gia Hội cựu sinh viên của Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu (MSTA), tư vấn và chia sẻ nhiều thông tin học bổng, cơ hội du học cho sinh viên.
"Thoại vẫn duy trì được tinh thần nhiệt tình và sự đóng góp với cộng đồng như vậy là điều rất quý", cô Ngọc nói.
Khánh Linh