Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học là vấn đề được nhiều trường quan tâm, thảo luận tại tọa đàm về Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, cuối tuần qua ở TP HCM.

Luật giáo dục đại học bắt buộc kiểm định tất cả chương trình đào tạo, cứ 5 năm một lần. Nếu đạt, các trường được tự xác định học phí, theo Nghị định 81 của Chính phủ. Có hai hình thức kiểm định, hoặc theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc theo tiêu chuẩn của các tổ chức nước ngoài.

PGS.TS Trần Tiến Khai, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế TP HCM, nhìn nhận việc này còn nhiều bất cập.

Theo ông, củng cố chất lượng hệ thống giáo dục đại học là cần thiết nhưng không cần chi tiết hóa đến mức bắt buộc phải kiểm tra, đánh giá tất cả các chương trình đào tạo. Các nước trên thế giới cũng hướng đến những chuẩn mực chung, nhưng gần như không ở đâu yêu cầu các đại học phải đạt kiểm định.

"Công tác kiểm định tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn, không phải trường nào cũng kham nổi", ông nói.

Chu kỳ kiểm định 5 năm cũng không phù hợp. Luật giáo dục đại học cho phép các trường lựa chọn tổ chức kiểm định, trong khi Luật Đấu thầu bắt buộc phải đấu thầu, gây mất thời gian.

Nhiều trường vừa được đánh giá xong không bao lâu đã phải chuẩn bị để tái kiểm định. Vì có nhiều chương trình, thời gian kiểm định không phải lúc nào cũng khớp nhau nên nếu không kịp sắp xếp, công tác tuyển sinh có thể bị ảnh hưởng.

"Điều này rất vô lý. Chương trình đã được kiểm định là chất lượng, không lẽ chỉ trong một thời gian ngắn mà tệ đi", ông Khai đặt vấn đề.

a0568ab7-b556-482b-9c2b-ae41e1-3592-9680-1731302425.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xjz3l2SHRXE6NHUj_W8qOg

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, phát biểu tại tọa đàm, chiều 8/11. Ảnh: Mai Hương

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, đồng tình.

"Bối cảnh ngành nghề ngày nay thay đổi rất nhanh. Chúng ta cứ chạy theo kiểm định liên tục thì không còn thời gian phát triển chương trình", ông Phúc nói.

Ở góc độ khác, TS Thái Thị Tuyết Dung, phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế của Đại học Quốc gia TP HCM, nhận định thời gian qua nhiều trường chạy đua kiểm định. Theo bà, khi nhu cầu quá cao, chất lượng kiểm định cũng khó kiểm soát.

"Các trường muốn đánh giá đạt chuẩn để được tự xác định học phí. Trong một chừng mực nào đó, các trường làm kiểm định chỉ vì học phí thôi chứ nếu không, họ sẽ làm từ từ", bà nói.

Các chuyên gia đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục những bất cập này. Chẳng hạn, theo PGS Khai, Bộ nên công nhận chất lượng chương trình đào tạo ở những trường đã đạt kiểm định cấp cơ sở và có khoảng 50% chương trình đạt tiêu chuẩn. Cùng đó, ông mong kéo dài chu kỳ kiểm định lên 7 năm, có cơ chế chỉ định thầu để các trường lựa chọn đơn vị kiểm định.

thu-truong-hoang-minh-son-jpg-2611-2688-1731229695.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mTxOLGvO063cGiYYLS2K4g

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Mai Hương

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thừa nhận không nước nào yêu cầu đánh giá tất cả chương trình và cơ sở giáo dục đại học. Ở Việt Nam, công tác kiểm định có ba cấp độ: chương trình, cơ sở và hệ thống.

"Bộ đang nghiên cứu cách tiếp cận, theo xu hướng phân quyền, giao quyền tự chủ. Một cơ sở đại học ở mức độ như thế nào thì được tự kiểm định", Thứ trưởng nói.

Tính đến ngày 31/7, cả nước có hơn 1.900 chương trình được kiểm định, trong đó hơn 1.370 theo tiêu chuẩn trong nước, khoảng 570 theo tiêu chuẩn nước ngoài (Xem danh sách). Ở cấp độ cơ sở, hơn 200 trường đại học và 11 cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định.

17 tổ chức kiểm định chất lượng, gồm 10 tổ chức nước ngoài, 7 trong nước được cấp phép hoạt động. Mỗi tổ chức có các tiêu chí đánh giá, trọng số và chi phí khác nhau.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022