Chia sẻ tại một hội thảo du học trực tuyến tối 24/1, ông Martin Walsh cho biết hồ sơ ứng viên sau khi được nhận sẽ trải qua ba giai đoạn: sàng lọc và phân loại; giám khảo và ban tuyển sinh đọc; quyết định.

Ở bước sàng lọc, ban tuyển sinh xem xét các thành phần định lượng của hồ sơ gồm điểm trung bình học tập (GPA), điểm các bài thi như SAT, ACT (bài thi chuẩn hóa, dùng để xét đầu vào đại học ở Mỹ), thứ hạng trong lớp, điểm các lớp học nâng cao (AP)...

Sau đó, giám khảo sẽ xem đến hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu, dự án, bài luận, thư giới thiệu. Trong hơn hai năm làm việc tại Stanford, công việc của ông Martin là đọc hồ sơ rồi phân tích và quyết định liệu có đưa học sinh này vào "ủy ban", nơi mọi người cùng trao đổi để đưa ra quyết định, hay không.

Theo ông Martin, ở vòng cuối, mọi thứ được thảo luận như trong một tòa án và ứng viên giống như đang bị "xét xử". Từng bài luận, thư giới thiệu được đọc to lên cho mọi người nghe. Các thành viên ban tuyển sinh xem xét mọi thứ một cách toàn diện, bỏ phiếu và lấy kết quả dựa vào đa số phiếu bầu.

chuyen-gia-3576-1706352758.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XxdIIuYx5hx8tcZGwAiaBg

ông Martin Walsh, cựu phó giám đốc tuyển sinh Đại học Stanford. Ảnh: Crimson Education

Chuyên gia cho hay Đại học Stanford, xếp thứ 5 thế giới theo bảng xếp hạng QS 2024, muốn nhận những học sinh sáng tạo, biết cách giải quyết vấn đề và muốn ảnh hưởng đến thế giới. Tiêu chí đầu tiên ban tuyển sinh xem xét là điểm số học thuật.

Điểm GPA của ứng viên nộp vào Stanford là 3.8-4.0/4.0, điểm SAT dao động 1470-1570/1600, còn ACT là 34-35/36.

"Tuy nhiên, điểm số tốt không đủ, trường muốn nhiều hơn thế. Trong tuyển sinh, chúng tôi có thuật ngữ 'sức sống trí tuệ - intellectual vitality'", ông Martin nói.

"Sức sống trí tuệ" thể hiện ở những học sinh không giới hạn việc học trong lớp. Các em đam mê tìm kiếm thêm tri thức, thông tin mới, thích tham gia các cuộc trò chuyện, bài giảng mang tính hàn lâm và luôn mong tìm kiếm cơ hội như vậy. Stanford cho rằng đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.

Ứng viên có hồ sơ thể hiện khả năng lãnh đạo và sáng tạo cũng gây ấn tượng với ban tuyển sinh. Đó là không chỉ tham gia các hoạt động ngoại khóa, dự án, các em còn vươn lên vị trí lãnh đạo, có thể làm tổ trưởng câu lạc bộ hoặc đội trưởng đội thể thao...

Ngoài ra, Stanford muốn xây dựng cộng đồng sinh viên đa dạng về nền tảng, kinh nghiệm và quan điểm. Vì thế, trường thích ứng viên có quan điểm đa dạng và độc đáo. Sinh viên từ các nền tảng khác nhau có khả năng tiếp cận vấn đề đa dạng hơn, từ đó có cách giải quyết vấn đề sáng tạo và hiệu quả hơn.

Các tiêu chí khác như thành tựu ngoài lớp học và phẩm chất cá nhân cũng được đưa vào đánh giá ứng viên.

Ông Martin cho hay từng đọc hơn 5.000 hồ sơ trong nhiều năm làm cố vấn tuyển sinh và nhận thấy có ba sai lầm phổ biến học sinh Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung gặp phải.

Đầu tiên, nhiều học sinh chỉ tập trung vào đạt điểm cao, không có các môn liên quan tới ngành đang xin học. Ông ví dụ có ứng viên nộp vào các ngành máy tính nhưng hồ sơ không có các môn, điểm thi hoặc chương trình liên quan đến ngành này như Toán, coding, Khoa học máy tính..., trong khi quá tập trung vào IELTS, SAT, ACT và thi lại nhiều lần.

Thứ hai, hoạt động ngoại khóa chiếm 30% hồ sơ song ứng viên chỉ tham gia các hoạt động có sẵn trong trường mà không mở rộng các cuộc thi bên ngoài, các sân chơi quốc tế. Hoặc có ứng viên tham gia ngoại khóa nhưng thụ động, không cho thấy sự phát triển và tiềm năng lãnh đạo.

"Việc chọn các hoạt động quá phổ biến, chung chung không hỗ trợ cho màu sắc cá nhân của học sinh sẽ khiến cho hồ sơ mờ nhạt", ông chia sẻ.

Cuối cùng, nhiều ứng viên bỏ lỡ vòng tuyển sinh sớm, bài luận thiếu màu sắc cá nhân, thuần túy là chia sẻ thành tích và không có sự chuẩn bị khi được mời phỏng vấn.

Để có hồ sơ cạnh tranh vào Stanford, chuyên gia khuyên ứng viên nên có điểm SAT/ACT cao hơn mức trung bình, bài luận mạnh, thể hiện rõ tính cách, cách đóng góp tiềm năng vào cộng đồng Stanford. Ngoài ra, học sinh nên nộp vào kỳ sớm để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022