Đây là điểm mới trong Nghị định 124 của Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học, hiệu lực từ ngày 20/11. Quyết định thành lập phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam do Thủ tướng cấp.
Ngoài ra, dự án phải có vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng (không gồm các chi phí sử dụng đất); diện tích đất tương tự định mức áp dụng với các phân hiệu đại học trong nước, tức tối thiểu 2 ha.
Trình độ và chất lượng giảng viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên theo quy định của trường ở nước ngoài, miễn không thấp hơn tiêu chuẩn của Việt Nam. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên ở mức 15-25, tùy ngành.
Trước đây, các tiêu chí này không được quy định cụ thể.
Đại học RMIT Việt Nam, cơ sở tại TP HCM. Ảnh: RMIT
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, với khoảng 20.000 sinh viên, gồm: Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), Swinburne Việt Nam, Greenwich Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định 124 quy định chương trình mầm non và phổ thông nước ngoài tại Việt Nam phải được công nhận hoặc đạt kiểm định chất lượng, đã được giảng dạy trực tiếp ít nhất 5 năm ở nước sở tại.
Khi dạy chương trình nước ngoài, các trường phải xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục địa phương; công khai rõ ràng thông tin về chương trình, số lượng giáo viên, học sinh người nước ngoài...
UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Tính đến tháng 6, tổng số vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này là 4,57 tỷ USD với 605 dự án.
Lệ Nguyễn