Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây vài ngày công bố dự thảo quy chế tuyển sinh THCS, THPT. Ba nhóm thí sinh được cộng 1-2 điểm ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10 gồm con gia đình chính sách, có công với cách mạng, là người dân tộc thiểu số hoặc sống và học tập tại các vùng đặc biệt khó khăn.
Trong đó, thí sinh được cộng hai điểm (mức cao nhất) nếu là con của người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945.
Đề xuất này hôm nay được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đề xuất của Bộ thiếu thực tế vì người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đến nay đã ngoài 90 tuổi. Trong khi, học sinh thi lớp 10 là 15 tuổi.
Tối 25/10, đại diện ban soạn thảo thông tư của Bộ cho biết chính sách áp dụng cho cả con đẻ và con nuôi hợp pháp của cán bộ cách mạng. Đề xuất này căn cứ theo Nghị định 131 năm 2021 của Chính phủ về ưu đãi cho người có công với cách mạng. Chẳng hạn, có người tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, nhưng 70-80 tuổi mới nhận con nuôi.
"Chúng tôi đã tính toán kỹ trong quá trình soạn thảo và cho rằng vẫn có khả năng nói trên, nên đưa vào để không bỏ sót người đáng được hưởng chế độ ưu tiên", đại diện Bộ nói.
Thí sinh tại Cần Thơ được ông ngoại đưa đi thi lớp 10, tháng 6/2023. Ảnh: Huy Phong
2025 là năm lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp THCS. Theo dự thảo của Bộ, ba phương thức tuyển sinh lớp 10 gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, do địa phương chọn.
Riêng với thi tuyển, Bộ dự kiến gồm Toán, Ngữ văn và môn thi thứ ba. Môn này thay đổi hàng năm, được chọn từ các môn sau: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học.
Bộ cũng quy định rõ ba mức cộng điểm 1, 1,5 và 2 cho ba nhóm thí sinh ưu tiên. Trong khi, quy định hiện hành cho phép địa phương quyết định.
Bộ dự kiến ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT trước ngày 31/12, áp dụng từ năm học tới.
Thanh Hằng