Chăm sóc và nuôi dạy con cái là hành trình nhiều thử thách lẫn khó khăn đối với các bậc phụ huynh. Phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn tới tính cách cũng như hành vi của trẻ sau này. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, bố mẹ nên quan sát và tìm ra cách phù hợp nhất với trẻ. Dưới đây là 10 nguyên tắc nuôi dạy con ngoan ngoãn, tự lập ngay từ nhỏ mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng.

1. Trở thành tấm gương tốt cho con

Mọi người vẫn thường được nghe câu "Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ", nhìn hành động và tính cách của con, có thể thấy được phương pháp giáo dục của phụ huynh là đúng hay sai. Đừng nói với con bạn những gì bạn muốn chúng làm, cách tốt nhất là để chúng bắt chước theo hành động của cha mẹ. Thay vì lúc nào cũng khuyên con cái đọc sách rất tốt cho trí não, bạn hãy hình thành cho mình thói quen đọc sách và thường xuyên đọc cho trẻ nghe.

2. Khen đúng lúc đúng việc

Khen ngợi bé cũng cần có phương pháp, thay vì những câu nói chung chung như "con giỏi quá, con làm tốt lắm", thì cha mẹ nên đi thẳng vào vấn đề như "con giải toán đúng rồi", "con quét nhà rất sạch". Hãy khen bé khi bé làm được một việc tốt để con có động lực phát huy và duy trì tinh thần đó. Lời khen tuy đơn giản nhưng lại chính là món quà khen thưởng ý nghĩa nhất để con có những cư xử tốt. Bạn không nên dùng vật chất để khen thưởng bé vì như thế sẽ tạo thói quen không tốt cho con.

3. Chấp nhận một số điều chưa hoàn hảo từ con

Dù là người lớn hay trẻ con thì đều có những lúc làm sai. Đây hoàn toàn là điều bình thường. Cha mẹ tốt là người chấp nhận điều chưa tốt và cho con cơ hội để sửa sai. Nếu như lúc nào bạn cũng đòi hỏi bé phải làm tốt dẫn đến việc con sẽ đánh mất các kĩ năng cần thiết như khó chấp nhận thất bại, sợ bố mẹ mắng...

photo-3-16651105228942001614682.jpg

4. Cho trẻ sự tự do

Việc áp đặt hay ép buộc không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt là trong giáo dục con cái. Khi con được tự do làm điều con thích, tự do thể hiện cá tính thì chắc chắn đó sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc. Bạn hãy cho bé không gian tự do hoạt động, đừng theo dõi và quát mắng bé như "Đừng trèo lên đó" hay "Đừng động vào đó"...

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ để trẻ được tự do bay nhảy 100%. Thay vào đó, bạn chỉ cần để trẻ vui chơi dưới sự kiểm soát của bạn. Lúc này, hãy bên ở cạnh để quan sát nhằm đảm bảo rằng con vẫn đang được an toàn. Làm như thế sẽ giúp bé trở nên tự tin và kiên trì hơn, cố gắng theo đuổi mọi thứ chúng muốn.

5. Tôn trọng ý kiến của trẻ

Khi trẻ đưa ra yêu cầu, hãy lắng nghe và đánh giá xem liệu làm như vậy có những ưu/ nhược điểm gì. Cho dù bạn không đồng ý, hãy giải thích và cho trẻ lý do chính đáng. Để con được tham gia và thảo luận mọi chuyện trong gia đình cũng sẽ khiến bé cảm thấy con được yêu thương và tôn trọng. Việc bố mẹ cứ bắt ép trẻ phải làm theo ý kiến của người lớn là không nên, khiến bé không có sự sáng tạo, không tự vận động suy nghĩ, làm cho bé ngày càng trở nên thụ động vì mọi việc chỉ làm theo sự sắp xếp của bố mẹ.

6. Khuyến khích con tự kiểm soát hành vi

Trong cuộc sống, con sẽ gặp phải rất nhiều điều làm con bực mình, buồn lòng hay mệt mỏi. Những lúc đó, con nên học được cách ứng phó sao cho thích hợp, ví dụ như bình tĩnh, phân tích sự việc và tìm ra cách xử lý phù hợp nhất.

photo-2-16651105201471658049065.jpg

7. Dạy con tự giác từ bé

Một số những việc làm đơn giản như vệ sinh cá nhân, làm bài tập về nhà, giúp bố mẹ một số công việc trong nhà... cần được trẻ tự giác hoàn thiện. Dĩ nhiên, nếu không được dạy bảo, con sẽ không biết cần phải làm những điều đó. Tự giác là một trong những đức tính tốt, cha mẹ hãy tán dương khi con thực hiện điều này. Ví dụ như việc bé tự giác soạn quần áo, sách vở, sắp xếp chăn gối khi thức dậy... Hãy dành một lời khen để động viên cũng như khuyến khích bé tiếp tục duy trì thói quen tốt ấy.

8. Dạy con lễ phép, kính trên nhường dưới

Dù được phép tự do hoạt động, tự do làm điều bé muốn trong những nguyên tắc của bạn đặt ra nhưng cũng hãy dạy bé cách tôn trọng gia đình, lễ phép với ông bà cha mẹ. Không được tập cho bé thói quen ỷ lại vào tình thương của bố mẹ, ông bà mà trở nên ương bướng.

Đặc biệt, trong những lời giao tiếp với các thành viên trong gia đình phải có sự dạy dỗ nghiêm ngặt, không nên để bé nói những câu nói không lễ phép với người lớn.

9. Không đánh mắng, quát nạt con

Khi cha mẹ la mắng, đánh đòn, đứa trẻ sẽ học cách làm tương tự khi chúng khó chịu với người khác. Ngược lại, dù bạn đang nóng giận mà vẫn cư xử tử tế thì trẻ sẽ học cách xử sự với người khác bằng sự bình tĩnh và tôn trọng. Bạn có thể bình tĩnh và nhẹ nhàng nói với trẻ đó không phải là những gì con nên làm thay vì la hét hay sử dụng một giọng điệu ác ý và nghiêm khắc.

photo-1-16651105162671430466888.jpg

10. Phương pháp nuôi dạy con đúng cách là phải rõ ràng và nhất quán

Khi bạn đã nói "không", bạn nên giữ vững quan điểm đó, đừng vì trẻ mè nheo, quấy khóc mà nhượng bộ. Nếu làm vậy thì sự nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, phụ huynh có thể đưa ra những gợi ý cho việc giải quyết vấn đề chứ tuyệt đối không nhượng bộ cho các đòi hỏi từ con.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022