Cô giáo mê sáng chế

Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Lê Văn Chung- Hiệu trưởng Trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Là giáo viên giỏi của trường, trong công tác giảng dạy chuyên môn, cô giáo Vũ Quỳnh Thu luôn cố gắng tìm tòi các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với từng đối tượng học sinh và từng nội dung kiến thức.

Cô đã tổ chức cho học sinh tự thiết kế đồ dùng dạy học như: Mô hình tinh thể than chì với que tre và cà rốt; tinh thể kim cương với bóng nhựa và ống hút... Cô cũng cho học sinh tự làm các sản phẩm như: Nến thơm, xà phòng, tinh dầu bưởi, dầu dừa… Đây luôn là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giúp học sinh hiểu được những kiến thức Hóa học một cách đơn giản và thực tế nhất.

Do đặc thù môn Hóa học có kiến thức xuyên suốt từ lớp 8, nếu học sinh bị mất gốc Hóa thì rất khó để theo kịp các bài học trên lớp. Vì vậy vào các dịp hè và đầu năm học, cô Thu thường vận động học sinh, lập các nhóm học sinh mất gốc để phụ đạo miễn phí, giúp học sinh có những kiến thức cơ bản nhất, tự tin trong các tiết học Hóa để yêu thích môn Hóa hơn.

photo-1-1661398202629299165579.jpg

Hệ thống chuyển nước mặn thành nước ngọt sử dụng công nghệ điều khiển chảo parabol theo hướng mặt trời.

Bên cạnh đó, cô Thu cũng luôn chú trọng tới hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh. Một trong những sản phẩm nghiên cứu thành công của cô trò là "hệ thống chuyển nước mặn thành nước ngọt sử dụng công nghệ điều khiển chảo parabol theo hướng mặt trời".

Với ý tưởng sơ khai của học sinh bắt nguồn từ dự án bếp năng lượng Mặt trời đã từng được triển khai ở miền Trung, cô đã hướng dẫn học sinh sử dụng năng lượng mặt trời để chuyển nước mặn thành nước ngọt nhờ quá trình hấp thu nhiệt làm cho nước mặn sôi và ngưng tụ hơi nước ngọt.

Cô giáo đã luôn đặt ra nhiều giả thiết để tối ưu hóa ý tưởng của học sinh, đồng thời định hướng cách giải quyết vấn đề để học sinh tiếp tục tìm tòi nghiên cứu. Có nhiều kiến thức mà nhà trường chưa dạy các em như thiết kế kĩ thuật để làm một chiếc chảo parabol quay hay thiết kế điện tử để hệ thống cảm biến nhận diện được ánh sáng mặt trời đã được học sinh mày mò và chinh phục.

Nhờ sự đam mê, không ngại khó của cô trò, sau nhiều lần thử nghiệm vận hành ngoài trời nắng, sửa chữa và hoàn thiện, hệ thống đã hoạt động thành công. Với tổng chi phí hoàn thiện sản phẩm chỉ dưới 2 triệu đồng nhưng lại tích hợp được các công nghệ cảm biến ánh sáng để điều khiển chảo parabol theo hướng mặt trời.

Ưu điểm đặc biệt là hệ thống hoàn toàn tự động và không cần dùng đến điện lưới nên thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả cao và tiện lợi cho bà con ở các vùng biển, đảo xa thiếu nước ngọt, thiếu điện. Sản phẩm đã đạt giải ba trong cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh thành phố Hà Nội.

Khi hệ thống hoạt động thành công, đó là một nguồn động lực mạnh mẽ giúp bản thân học sinh thêm tự tin, yêu thích khoa học và đam mê khám phá hơn, mong muốn nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ tiện ích hơn nữa.

photo-1-1661398232153415311340.jpg

Cô Thu và đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường

Quan tâm đến từng học sinh

Trong công tác chủ nhiệm, cô Vũ Quỳnh Thu luôn thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh. Theo cô Thu, làm giáo viên chủ nhiệm có nhiều điều thú vị bởi bản thân mình cũng phải thay đổi, cập nhật thường xuyên những cái mới để làm công tác chủ nhiệm được tốt hơn.

Đầu năm khi nhận lớp việc đầu tiên giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu thông tin cá nhân từng học sinh, cho các em viết lí lịch trích ngang, biết được nơi ở của các em, gần gũi thấu hiểu hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp, những thuận lợi, khó khăn, về những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cô luôn tìm cách gần gũi trò chuyện tiếp xúc với các em nhiều hơn, tạo cho các em sự thân thiết, tin tưởng để có thể dễ dàng bộc lộ tâm tư tình cảm, điều mong muốn của chính mình khi cần thiết.

Cô Thu cho rằng, giáo viên chủ nhiệm biết dùng mạng xã hội một cách thành thạo, kết bạn với từng học trò để biết các em đang nghĩ gì, làm gì, tâm trạng ra sao sau những status chia sẻ trên trang cá nhân. Ngoài giờ lên lớp, vào ngày nghỉ cuối tuần việc cập nhật tình hình các thành viên trong lớp cũng rất quan trọng trước khi bước vào tuần mới.

photo-1-16613982601461912031520.jpg

Học sinh Trường THPT Cổ Loa hào hứng trong giờ học

Với quan điểm việc tạo định hướng để học sinh chủ động tự học cũng quan trọng không kém việc dạy kiến thức chuyên môn, cô Thu thường tổ chức các buổi sinh hoạt lớp theo chủ đề: xác định mục tiêu năm học, hướng nghiệp, giao lưu với các anh chị học sinh thành đạt khóa trước về phương pháp học tập hiệu quả, cách lựa chọn trường đại học.

Đồng thời cô đã phối hợp với ban giám hiệu thành lập từ sớm các đội tuyển học sinh giỏi, đồng hành và hướng dẫn các em ôn tập ngay lớp 10, 11... Vì vậy trong năm học vừa qua, hầu hết học sinh lớp cô chủ nhiệm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp cụm, cấp thành phố.

Nguyễn Bá Việt Dũng- học sinh lớp 10A1 Trường THPT Cổ Loa cho biết: Ở trên lớp, bên cạnh những giờ giảng hấp dẫn, cô còn như một người mẹ, quan tâm đến từng học sinh. Nhờ cô mà em rất thích học môn Hóa học. Những bài giảng của cô đã giúp em hiểu hơn về môn học này và rất yêu thích nó.

Trong quá trình công tác, cô Vũ Quỳnh Thu liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt giải Ba kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố chuyên đề tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong môn Hóa học, hướng dẫn dự án cho học sinh tham dự các kỳ thi khoa học kỹ thuật và đã đạt giải Ba cấp thành phố. Cô Thu cũng đã có 2 sáng kiến kinh nghiệm được ngành giáo dục công nhận, được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tặng giấy khen "Cô giáo giỏi việc trường, đảm việc nhà", nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022