Ra trường xin được việc làm tốt là mong mỏi chung của rất nhiều sinh viên. Nhưng giữa hàng trăm email ứng tuyển, làm sao để nổi bật và "bách phát bách trúng" được nhận?

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm việc làm thì đây sẽ là gợi ý tốt dành cho bạn! Hãy gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng sự chân thành và chuyên nghiệp của mình thông qua email gửi công ty.

Cô gái tâm sự nhờ chiếc email này mà đã được bên tuyển dụng khen: "Đọc mail ứng tuyển xong là muốn tuyển liền khỏi phỏng vấn"!

base64-161874649876474743876.png

Đầu tiên, cô gái này chia sẻ quá trình tìm hiểu công ty và lọc job sao cho chuyên nghiệp nhất:

"Mình nhớ lúc đó vừa gặp nhau, hỏi xong câu nhận người là chị nói: 'Chị đọc mail ứng tuyển là muốn tuyển em liền khỏi phỏng vấn luôn'. Mình biết mail ứng tuyển của mình rất dễ ghi điểm trong mắt các HR và người phỏng vấn (chính họ nói như vậy).

Vậy viết như thế nào để mail của mình nổi bật lên giữa vô số các mail ứng tuyển khác?

HR và người tuyển dụng đọc mail xong đều cảm thấy ưng cái bụng - thuận cái dạ muốn gặp mình liền. Thậm chí như chị phỏng vấn kia, muốn nhận người ngay chỉ qua 1 chiếc mail ứng tuyển?

Từ kinh nghiệm cá nhân và những gì đúc kết được, mình chia sẻ một vài điều nhé. Quy trình tìm việc của mình thường như này:

1. Bước 1: Lọc job.

Công việc nào nhận thấy khả năng đáp ứng của đôi bên thì mình mới ứng tuyển chứ không bạ đâu cũng apply. Vừa tốn thời gian vừa dễ nhận được kết quả không hợp làm tự tin của mình rớt luôn chữ “n”.

Vậy nên job viết 2, 3 dòng kiểu: "Có việc tại x lương y, inbox lấy thông tin là lướt ngay. Sau đó cần thêm thông tin thì mình liên hệ, không thì viết mail ứng tuyển. Trước khi viết mail nhớ tìm hiểu sơ qua về công ty ở các kênh online của họ và các trang review công ty nhé, giúp ích nhiều lắm!

2. Bước 2: Trong mail ứng tuyển sẽ có cover letter + CV + porfolio của mình. Cái cover letter (thư ứng tuyển), mình thấy khá quan trọng. Mình viết nội dung cơ bản với xíu tình cảm trong đó. Đây thường là nguyên do khiến họ chọn phỏng vấn mình giữa nhiều email ứng tuyển khác. Và mình luôn gửi mail xác nhận đến hoặc không cho tất cả mail mời phỏng vấn. Không ai muốn ném cục đá vô lòng đại dương hết, không ai muốn chờ vô vọng nên được hay không thì cần phản hồi cho đối phương biết nhé.

3. Bước 3: Đến phỏng vấn đúng giờ, tươi tắn như hoa và lúc ra về không quên cảm ơn người ta đã dành thời gian cho mình. Một điều dễ mến là có nhiều nơi gửi cho mình hẳn email cảm ơn đến phỏng vấn cơ. Thiệt sự thiện cảm.

4. Bước 4: Xác nhận có nhận việc hay không. Nếu lúc trao đổi đã xong xuôi hết rồi thì thôi".

base64-16187456253121762521076.png

Còn bí quyết riêng cho phần 2 để viết mail ứng tuyển sao cho "ưng cái bụng" HR lại được cô nàng bày cho cách sau.

"Trước khi viết email, bạn cần lưu ý 2 điều sau:

- Tên email: Nhiều bạn Gen Z rất trẻ trung, năng động nhưng đừng nhầm lẫn "phong cách thế hệ" nhé. Những chiếc email teen code khả năng bị bỏ lại rất cao. Hãy sử dụng tên thật của mình nhé.

- Tiêu đề email: "Vị trí ứng tuyển_Họ tên" (hoặc ngược lại) là chuẩn nhất nếu như trong JD không yêu cầu cụ thể về tiêu đề.

Rồi vào viết email ứng tuyển phần cover letter nhé!

1. Mở đầu:

Ngay lời chào, hãy nhìn phần contact trong JD có tên của người nhận mail không. Nếu có thì chào thẳng người đó luôn. Còn không thì gửi đến "Bộ phận Nhân sự công ty XXX" hoặc vị trí cao nhất của phòng ban mình apply.

base64-16187456908582127016407.png

2. Thân thư:

- Tên mình và lý do vì sao bạn viết mail này. Nếu bạn thấy tin tuyển dụng ở đâu, ai giới thiệu... hoặc nếu đã trao đổi trước đó thì: "Như đã trao đổi trước với anh/chị, em gửi mail này để ứng tuyển vào vị trí abc...

- Tiếp theo, mình xem tuyển dụng là một cuộc trao đổi mà "thuận mua thì vừa bán". Nhà tuyển dụng cần người, mình cần việc, đôi bên tôn trọng lẫn nhau ở vị trí cân bằng. (Tâm thế này cực kì quan trọng, mình không xin việc của ai hết. Mình tôn trọng nhà tuyển dụng và thấy hợp thì apply. Và ngược lại)

Nên bản thân mình đáp ứng được người ta cái gì thì nêu ra. Chọn ý chính và tóm gọn thôi vì chi tiết thì trong CV, porfolio và khi phỏng vấn sẽ rõ hơn.

- Thêm một số điểm về con người mình như: Tiêu chí làm việc, ưu/nhược điểm, mong muốn trong quá trình làm việc...

3. Kết thư:

- Chào để kết thư bằng lời cảm ơn và mong nhận được phản hồi. Cuối cùng đừng quên chữ ký cá nhân. Mình thường để tên kèm số điện thoại, ghi ra luôn để người ta tiện liên hệ hoặc khi lưu hồ sơ thì copy - paste y chang, đỡ bị trật mà mất cơ hội.

- Bên cạnh đó, mình cũng sẽ điều chỉnh văn phong và thông tin trong phần thư này tùy theo JD và thông tin về nơi apply mà tìm hiểu được. Điều này cũng cho nhà tuyển dụng thấy mình có tìm hiểu công ty trước đó rồi.

- Khi phỏng vấn, mình hay được (hoặc mình tự hỏi) chia sẻ, góp ý về hồ sơ của mình. Khi đó mình sẽ biết điều chỉnh tốt hơn, chỉn chu, chuyên nghiệp và phù hợp hơn. Mình biết mình có thể cải thiện tốt hơn chứ không phải yếu kém nên người ta không nhận đâu".

photo-1520333789090-1afc82db536a-1618745764303261316663.jpg

Nguồn: Nguyễn Thị Kim Huệ/Group Tâm Sự Con Sen

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022