Hôm nay là ngày 20/11. Đây là dịp để học trò gửi lời tri ân, lời cảm ơn chân thành đến thầy cô giáo của mình và là cơ hội tốt để chúng ta ngồi lại kể cho nhau nghe những kỉ niệm dở khóc dở cười về cái thời đi học.

Đương nhiên, mọi thứ sẽ còn trở nên thú vị gấp bội nếu như bản thân bạn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo và bố mẹ bạn chính là những thầy cô xuất hiện trong loạt kỉ niệm đó.

"Ngắm mẹ trên bục giảng là cảm giác vừa lạ vừa thương"

Dù cho cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng nghề giáo vẫn luôn được coi là một trong những nghề cao quý nhất. Bởi trên hành trình mang tri thức đến với cuộc đời, thầy cô không chỉ gánh vác trên vai nghiệp "cõng chữ qua sông" mà còn gánh cả trách nhiệm trồng người.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ làm giáo viên, cô bạn Nguyễn Hồng Nhung (học sinh lớp 12 trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trải lòng:

"Từ những ngày nhỏ, mình đã được làm quen với bục giảng, viên phấn trắng và bảng đen mỗi khi mình được mẹ dẫn đi dạy cùng. Cái lợi đầu tiên là được mẹ rèn nhiều về tư cách. Còn về học hành, mình được mẹ rèn cho môn tiếng Anh từ khi còn nhỏ nên nền tảng rất vững vàng. Chưa kể hồi học cấp 1, vì có mẹ là giáo viên nên các bạn trong lớp ai cũng phải kiêng nể mình".

Hơn 17 năm sống trong tình yêu thương của người mẹ làm nghề giáo, đó là một niềm tự hào khôn xiết của Nhung. "Mình rất thích được học cùng với mẹ, mình rất thích được ngắm nhìn mẹ trên bục giảng mỗi ngày. Cảm giác đó rất lạ, vừa thân thương gần gũi vừa khá là thú vị. Có lẽ cũng chính từ ấn tượng đó mà mình quyết định thi vào Đại học Sư phạm để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo như mẹ" , Nhung bồi hồi chia sẻ.

photo-3-16689534905261654771731.jpeg

Ảnh minh họa

Cũng giống như Nhung, cậu bạn Phạm Trọng Hưng (học sinh lớp 11 trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng rất đỗi tự hào về bố của mình - một thầy giáo. Cậu bạn cảm thấy sự an tâm vì luôn có nguồn động viên, khích lệ từ "thầy giáo bố". Mỗi ngày đến trường đối với Hưng thực sự là một ngày vui và hạnh phúc:

"Khi được hỏi về bố, mình luôn tự hào khoe bố mình là thầy giáo. Tự hào vì bố luôn tần tảo với nghề, tự hào cách bố nâng niu từng trang sách và cách bố làm trụ cột gia đình. M ình cũng trân trọng sự thiêng liêng và cao quý của nghề giáo, từ đó trân trọng cả việc học của bản thân và nỗ lực dạy dỗ của các thầy cô".

Tự hào lắm, hãnh diện lắm nhưng cũng áp lực lắm

Tuy nhiên, việc có cha mẹ là giáo viên cũng tạo nên những áp lực vô hình cho học sinh, nhất là ở tuổi dậy thì. Áp lực đó đến từ nhiều phía như: Bạn bè nghi ngờ điểm số, mác "con giáo viên" nên phải học giỏi... Nhiều bạn trẻ vì thế đã phải gồng mình lên cố gắng để chứng minh bản thân vì danh dự của cha mẹ, để khẳng định khả năng và phản bác lại những ý kiến trái chiều.

"Mẹ mình làm giáo viên dạy Toán ở trường mình, có năm mẹ cũng dạy lớp mình luôn. Ban đầu đi học trường mẹ dạy, mình rất vui vì hai mẹ con ngày nào cũng gặp nhau ở trường. Rồi buổi sáng hôm nào dậy muộn hay mệt thì không phải đạp xe đến trường vì mẹ sẽ đưa mình đi học luôn.

Thế nhưng, vào trường mới biết, làm con giáo viên vất vả thế nào, mình luôn phải cố gắng chăm chỉ học tập vì lỡ có bị điểm kém, kết quả giảm sút, các bạn nhất định sẽ cười 'Con giáo viên được bố mẹ dạy học hằng ngày sao lại học kém vậy'. Còn nếu được điểm cao, các bạn sẽ bảo vì là mình là con giáo viên nên được 'ưu tiên'. Đặc biệt, nếu rơi vào môn mẹ mình dạy, chỉ cần mình làm bài kiểm tra điểm cao sẽ bị coi là 'nhờ mẹ cho biết trước đề thi'... Đã có lúc mình cảm thấy rất mệt mỏi vì luôn phải cố gắng học tập thật chăm chỉ mà vẫn bị các bạn hiểu sai", Trần Thị Quỳnh Chi - cựu học sinh lớp 12A4, Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, Hà Nội tâm sự.

photo-2-1668953488882337856298.jpg

Nhiều học sinh khá áp lực khi bố mẹ chính là giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ảnh minh họa

Ở một diễn biến khác, hình ảnh về tiêu chuẩn nghề nghiệp của bố mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn đối với suy nghĩ của các bạn trẻ hiện nay, đặc biệt là nghề giáo viên. Bởi lẽ, sống trong một gia đình có những ông bố, bà mẹ mang trên mình những trọng trách cùng chuẩn mực nhất định thì việc bó buộc con cái vào khuôn khổ và quy chuẩn là điều khó tránh khỏi. Do vậy mà bao năm qua, những bạn mang mác "con nhà giáo" sẽ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba.

Đồng cảm với Quỳnh Chi, Thái Hà (lớp 12A1, trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bộc bạch: "Quả thật làm con giáo viên, áp lực học tập của chúng mình rất lớn. Lúc nào mình cũng phải gương mẫu nhất lớp, học tốt nhất lớp. Nếu làm sai chuyện gì mình sẽ bị phạt đầu tiên để làm gương cho các bạn khác.

Ở trường mình cũng ngại không dám gọi mẹ là mẹ mà phải gọi là 'cô giáo'. Bài tập về nhà mẹ kiểm tra rất cặn kẽ, mình phải làm hết bài tập các môn. Mình luôn nỗ lực, cố gắng nhưng mẹ vẫn yêu cầu mình phải cố gắng hết sức hơn nữa. Mình rất mong mẹ có thể thông cảm cho mình một chút, để mình được học tập một cách vô tư và thoải mái hơn".

Và những bài không sách vở nào trên lớp dạy được!

Học sinh bậc học THPT là những người đã và đang trưởng thành về mặt nhận thức, có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lí. Mặt khác, sự phát triển của xã hội cũng đưa lại cho các bạn nhiều tác động tích cực. Thay vì tự bó buộc mình vào những áp lực, các bạn chọn cách nỗ lực để tự khẳng định bản thân mình để không bị ảnh hưởng bởi mác "con nhà giáo".

Như bao đứa trẻ khác, Trọng Hưng từ nhỏ đã được lớn lên trong sự giáo dục nghiêm khắc từ bố. Sống với nghề, bố Trọng Hưng hiểu rằng: "Giáo dục con người không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng hành vi", làm sao để giúp học trò nhận ra bản thân mình, làm sao để khơi dậy năng lực trong mỗi em, khơi dậy những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Và trong cách giáo dục con mình, bố của Hưng cũng thế!

"Bố mình luôn dặn mình phải chủ động, tự lập trong mọi vấn đề trong cuộc sống để không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một quan điểm tiêu cực nào ngoài kia. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn làm mai một đi thành quả mà mình đạt được" , Trọng Hưng chia sẻ.

photo-1-166895348529129211244.jpg

Ảnh minh họa

Sau tất cả, những người như Trọng Hưng, như Hồng Nhung hay như Quỳnh Chi, Thái Hà đều vô cùng tự hào về bố mẹ mình. Những "thầy cô đặc biệt" này không chỉ đồng hành cùng họ ở trường ở lớp mà còn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương, là nguồn động lực của họ trong cuộc sống cũng như tương lai dài rộng sau này.

"Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mình xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến mẹ, cùng với những thầy giáo, cô giáo kính yêu. Kính chúc những người thầy người cô đặc biệt của mình luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và đủ tâm trí lực để tiếp tục thành công trong sự nghiệp trồng người" , Hồng Nhung có những nhắn nhủ nho nhỏ nhân ngày 20/11 năm nay.

"Nghề nhà giáo bao đời luôn là nghề cao quý và được kính trọng nhất. Mong rằng bố của con sẽ luôn mạnh khỏe, vui tươi để tiếp tục đồng hành cùng nhiều lớp học trò trên con đường tri thức! Tạo hóa này cho con có một gia đình tuyệt vời, một người bố hoàn hảo. Bố là một người bố mẫu mực, người duy nhất trong đời lúc nào cũng yêu thương, quan tâm, lo lắng cho con. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con chỉ biết nói rằng con yêu bố nhiều lắm" , Trọng Hưng cũng không quên gửi lời chúc của mình đến bố cũng như các thầy cô đã dìu dắt cậu bạn thời gian qua.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022