Năm 2011, Trương Bằng cùng 31 sinh viên Trung Quốc khác đã nhập học vào Đại học Vũ Hán, một ngôi trường danh tiếng top đầu tại đất nước tỷ dân. Họ trải qua 4 năm sinh viên đèn sách như bao người nhưng cuối cùng nhận được thông báo rằng họ vốn chưa bao giờ được nhận vào trường.
Cuộc sống đại học kỳ lạ
Vào tháng 6 năm 2011, Trương Bằng 18 tuổi và có kết quả thi đại học không như ý muốn. Khi đang phải phân vân nên chọn trường cao đẳng hay thi lại thì một người quen đã đưa ra gợi ý hấp dẫn: "Chạy" suất cho anh vào Đại học Vũ Hán qua kênh đặc biệt. Gia đình cần phải trả lệ phí 150.000 NDT (hơn 500 triệu đồng).
Đại học Vũ Hán là một ngôi trường lâu đời nổi tiếng top đầu Trung Quốc, là ngôi trường mơ ước của rất nhiều sinh viên. Sau một hồi lo lắng và suy tính, cha Trương Bằng đã chấp nhận bỏ tiền để con có tương lai rạng rỡ.
Ngay sau đó, một thông báo nhập học được gửi đến Trương Bằng. Anh được nhận vào Khoa Tài chính của trường. Đến lúc nhập học, anh được một giáo viên cố vấn tên là Trương Kiệt hướng dẫn. Anh thực sự được vào trường học và ở trong ký túc xá. Các bạn cùng phòng Trương Bằng cho biết họ cũng thuộc cùng diện là vào trường qua "kênh đặc biệt". Mọi người đều được dặn dò kỹ là không được tiết lộ với người khác mình đã đi cửa sau để nhập học.
Trương Bằng cầm trên tay giấy báo nhập học của mình
Mức thu học phí và tiền sinh hoạt của nhóm sinh viên này cao hơn nhiều thông thường. Khi nhóm sinh viên đưa ra thắc mắc, Trương Kiệt trả lời: "Các cậu vào trường thông qua kênh đặc biệt thì phải chịu học phí đắt hơn người khác là chuyện bình thường".
Bỏ qua khúc mắc ban đầu, Trương Bằng vẫn nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Trong 4 năm học tại trường, đã có khá nhiều sự việc kỳ lạ xảy ra: anh không có tên trong danh sách lớp, không được đi học quân sự ở trường mà phải đến khu riêng, không có thẻ sinh viên, thẻ vào nhà ăn. Mỗi khi kỳ thi đến, anh cũng bị tách ra thi riêng với 31 bạn cũng vào học theo "kênh đặc biệt" giống mình. Trương Kiệt luôn giải thích rằng 32 sinh viên thuộc diện đặc biệt nên cũng có những đãi ngộ khác biệt. Dẫu nhiều lần nghi ngờ và hoang mang, Trương Bằng vẫn tận hưởng 4 năm đại học của mình và có những ngày tháng hạnh phúc trên giảng đường.
4 năm đại học tươi đẹp đều là ảo giác
Đến năm cuối, bạn bè cùng học đều tất bật làm đồ án bảo vệ tốt nghiệp. Thế nhưng không ai thông báo cho Trương Bằng và anh cũng không được xếp giảng viên hướng dẫn. Sốt ruột, anh đã đến thẳng Văn phòng Học vụ của trường để hỏi tại sao anh không có người hướng dẫn bảo vệ tốt nghiệp.
Sau đó, Trương Bằng chỉ có thể sững sờ khi nghe nhân viên Phòng Giáo vụ nói: "Căn cứ vào danh sách, bạn không nằm trong hệ thống trường học, điều đó có nghĩa là bạn chưa từng được nhận vào trường học chúng tôi".
Nhận tin shock, Trương Bằng ngay lập tức gọi điện cho người hướng dẫn Trương Kiệt, nhưng người này đã mất tích. Sau khi trở về ký túc xá, Trương Bằng đã kể lại sự việc cho những người bạn cùng phòng của mình. Họ khi biết chuyện cũng vô cùng kinh ngạc và tất cả đều đến Phòng Giáo vụ để kiểm tra tư cách sinh viên của mình. Các gia đình bắt đầu vào cuộc, gửi lại cho trường giấy báo nhập học họ nhận được 4 năm trước.
Sau khi xem giấy báo nhập học trên tay bố mẹ Trương Bằng, giám đốc tuyển sinh của Đại học Vũ Hán cho biết giấy báo nhập học này là giả mạo.
Đại học Vũ Hán nằm trong top 300 trường tốt nhất thế giới
Theo điều tra của cơ quan công an, có tổng cộng 32 học sinh đã bị lừa đảo vào trường "đại học ma". Các đối tượng trung gian này đã lợi dụng tâm lý của phụ huynh học sinh, làm giả giấy báo nhập học, sắp xếp cho sinh viên đi học giả để lừa tiền. 4 năm thanh xuân chăm chỉ học hành và ước mơ về tương lai của 32 thanh niên đều mất trắng.
Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc tại đây, phụ huynh của những sinh viên bị lừa cho rằng Đại học Vũ Hán cũng có trách nhiệm không thể trốn tránh. Nếu nhà trường có thể tăng cường quản lý, sẽ không để những kẻ trung gian vô lương tâm này lợi dụng, sinh viên sẽ không bị lừa dối trong suốt 4 năm một cách trắng trợn như vậy.
Vụ án lừa đảo sinh viên này đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc vào năm 2015, lật tẩy nhiều vấn nạn và lỗ hổng trong việc quản lý ngành giáo dục. Băng lừa đảo cuối cùng đều đã bị kết án và ngồi tù.
Thế nhưng 4 năm tuổi trẻ của 32 con người thì vĩnh viễn không lấy lại được. Từ những người đầy háo hức nghĩ rằng mình sẽ có tấm bằng cử nhân của ngôi trường top đầu, họ bàng hoàng nhận ra mình đã tự diễn một vở kịch vô lý mà không hề hay biết.
Nguồn: Toutiao